Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Khẳng định địa vị pháp lý của hộ kinh doanh

(BĐT) - Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của hộ kinh doanh (HKD) là một hình thức kinh doanh bên cạnh các loại hình doanh nghiệp (DN) khác, nhằm phát huy quyền kinh doanh của HKD. Quan điểm này của Chính phủ nhận được nhiều ý kiến đồng thuận của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở tổ về Dự án Luật.
Hộ kinh doanh là đối tượng cần có sự quản lý của Nhà nước, cần có địa vị pháp lý để được tiếp cận chính sách của Nhà nước để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, tuân thủ pháp luật, phù hợp với thông
Hộ kinh doanh là đối tượng cần có sự quản lý của Nhà nước, cần có địa vị pháp lý để được tiếp cận chính sách của Nhà nước để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, tuân thủ pháp luật, phù hợp với thông

Bãi bỏ hạn chế đối với hộ kinh doanh

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã trình bày tờ trình về Dự án Luật DN (sửa đổi). Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm và cho ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội là vấn đề liên quan tới quy định về HKD được bổ sung trong Dự thảo Luật.

Theo Tờ trình của Chính phủ, nội dung và nguyên tắc cơ bản của quy định về HKD tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của HKD là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình DN tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp. Quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của HKD phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự; bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với HKD, như: chỉ được sử dụng dưới 10 lao động; bổ sung quy định về chuyển đổi HKD thành DN.

Cho ý kiến thẩm tra về Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết phải hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với HKD... Đây là đối tượng cần có sự quản lý của Nhà nước, cần có địa vị pháp lý để được tiếp cận chính sách của Nhà nước, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, tuân thủ pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Không làm khó khăn thêm cho hộ kinh doanh

Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội), việc đưa HKD vào Luật là cần thiết và đã tới lúc phải để HKD có quyền và nghĩa vụ như các DN khác trong việc vay vốn, phát triển ngành nghề. Đại biểu Khánh cho biết, việc đưa HKD vào quy định của Luật DN sẽ có lợi cho HKD. Các HKD chỉ cần mất thủ tục một chút nhưng sau đó có thể phát huy năng lực trong lĩnh vực kinh doanh của họ. Đối với công tác quản lý nhà nước thì sẽ có lợi bởi các HKD sẽ phải chấp hành quy định pháp luật về môi trường, an toàn thực phẩm…

Đồng thuận với quan điểm nêu trên, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, việc quy định HKD trong Luật sẽ giúp HKD có khung khổ chính sách và được thúc đẩy phát triển.

Ngoài một số ý kiến đồng thuận nêu trên, có quan điểm cho rằng, để nội dung HKD thành nghị định riêng, rồi nghiên cứu xây dựng Luật cho riêng HKD.

Giải trình thêm sau khi một số đại biểu nêu ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, có nhiều lý do và căn cứ pháp lý rõ ràng để cơ quan soạn thảo đưa những quy định về HKD vào Dự thảo Luật. Thứ nhất, hiện với các quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký DN thì tâm lý các nhà đầu tư không yên tâm với sự bảo hộ, bảo vệ pháp luật khi hợp tác, kinh doanh với HKD. Do cũng là một loại hình kinh doanh nên HKD cần được định vị, pháp luật bảo hộ.

Thứ hai, hiện không có văn bản pháp lý nào quy định rõ ràng về trách nhiệm dân sự, quyền kinh doanh, quản trị nội bộ của HKD.

Thứ ba, có một số quy định hiện hành làm hạn chế quyền lợi của HKD (chỉ được kinh doanh tại 1 địa điểm mà không được mở chi nhánh và văn phòng nơi khác, chỉ được sử dụng lao động dưới 10 người) khiến HKD khó phát triển. Trong khi đó, thực tế có HKD sử dụng hàng trăm lao động và có doanh thu hàng trăm tỷ đồng trong khi họ vẫn tham gia đầu tư, phát triển. Thực trạng này một mặt dẫn đến sự thiếu minh bạch, công khai đối với HKD, mặt khác HKD lại không được pháp luật bảo vệ, không được quy định rõ trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ.

“Pháp luật quy định, tất cả các quyền của người dân và DN đều được quy định ở Luật chứ không phải quy định ở cấp Nghị định. Do đó, khi muốn trao thêm quyền, sửa đổi quyền đối với người dân và DN thì đều phải được quy định trong Luật.” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Về ý kiến HKD không phải là DN nhưng tại sao lại đưa vào Luật DN (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải, hiện HKD mới có một vài quy định được điều chỉnh trong Luật DN nhỏ và vừa trong khi HKD cần phải có một luật riêng. Tuy nhiên, trong thời gian chưa có đạo luật riêng cho HKD thì trước mắt nên đưa HKD vào phạm vi điều chỉnh của Luật DN (sửa đổi). “Việc đưa HKD vào Luật DN (sửa đổi)  không làm khó khăn thêm cho HKD bởi họ có quyền chuyển lên DN hoặc vẫn là HKD nhưng được khẳng định địa vị pháp lý và được pháp luật bảo hộ.” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Chuyên đề