Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Gỡ nhiều vướng mắc, tăng cạnh tranh, hiệu quả đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5, khai mạc ngày 22/5/2023. Dự thảo Luật bổ sung nhiều quy định nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc và thích ứng với các đòi hỏi từ thực tiễn, tăng cường hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu, nâng cao hiệu lực thực thi quy định của pháp luật về đấu thầu trong thời gian tới.
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định về các cơ chế mua hóa chất, thiết bị y tế để giải quyết dứt điểm vướng mắc, bất cập của mô hình máy đặt, máy mượn. Ảnh: Lê Tiên
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định về các cơ chế mua hóa chất, thiết bị y tế để giải quyết dứt điểm vướng mắc, bất cập của mô hình máy đặt, máy mượn. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều nội dung được chỉnh lý, tiếp thu

Thông tin tại Họp báo ngày 19/5/2023, ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan bám sát mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật để hoàn thiện Dự thảo Luật.

Theo ông Phạm Thái Hà, Dự thảo Luật được rà soát, hoàn thiện theo hướng: chỉnh lý phạm vi, đối tượng áp dụng luật, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đấu thầu với các luật có liên quan; rà soát quy trình, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế thời gian qua. Dự thảo Luật cũng quy định rõ các hành vi bị cấm, các ưu đãi đối với doanh nghiệp trong nước, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu; luật hóa những nội dung được quy định ở văn bản dưới luật đã thực hiện ổn định; quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, bên mời thầu, bên dự thầu, góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu thầu. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương, 99 điều (giữ nguyên số chương, tăng thêm 1 điều) so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Tại cuộc họp của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội ngày 15/5/2023, ông Vũ Tuấn Anh, Ủy viên Thường trực UBTCNS cho biết, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo đã nỗ lực rà soát kỹ lưỡng, thận trọng để quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn, nhất là các nội dung về thẩm quyền, trách nhiệm của các bên, các hành vi bị cấm và biện pháp xử lý... để tăng cường quản lý, bảo đảm tính chặt chẽ trong các quy định, góp phần hạn chế hành vi sai phạm, trục lợi, gây thiệt hại tài sản công.

Nhiều nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm nêu ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 đã được tiếp thu, chỉnh lý. Trong đó, theo UBTCNS, Dự thảo Luật lần này đã bỏ quy định áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu tái định cư vì đây là công việc không phức tạp, nhiều nhà thầu có thể thực hiện được. Đối với dự án quan trọng quốc gia, việc chỉ định thầu sẽ do Quốc hội quyết định khi phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án. Bổ sung quy định chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để cấp cứu người bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường do yêu cầu về giải pháp công nghệ để bao quát các trường hợp cấp bách, cấp cứu trong lĩnh vực y tế… Luật hóa quy định về hạn mức chỉ định thầu. Bổ sung một số trường hợp chỉ định thầu đang được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, nhưng có đủ điều kiện để áp dụng chỉ định thầu...

Với nội dung về mua thuốc, vật tư y tế gặp nhiều vướng mắc thời gian qua, Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý tại nhiều điều, khoản để luật hóa, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm như: quy định cụ thể về các trường hợp mua sắm tập trung, đàm phán giá, chỉ định thầu mua thuốc, thiết bị y tế trong trường hợp khẩn cấp, cấp cứu; quy định về các cơ chế mua hóa chất, thiết bị y tế để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập của mô hình máy đặt, máy mượn hiện nay, tạo cơ sở pháp lý cho việc đấu thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật bảo đảm cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả. Đồng thời, quy định về ưu đãi trong mua thuốc để vừa tạo điều kiện cho phát triển nền sản xuất dược trong nước, vừa đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh…

Ngoài ra, nhiều vấn đề lớn khác đã được tiếp thu, chỉnh lý như bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu; đấu thầu trước; yêu cầu đối với thành viên tổ chuyên gia, tổ thẩm định; lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; mua sắm tập trung; một số nội dung khác về lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất...

Hài hòa giữa quản lý hiệu quả và thông thoáng, thuận lợi trong thực hiện

Chia sẻ bài toán khó từ phía Cơ quan soạn thảo, tại Kỳ họp thứ 4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong hoạt động mua sắm công, yêu cầu đặt ra là phải làm sao cho thủ tục vừa thông thoáng, đơn giản để thực hiện thuận lợi, nhanh chóng, vừa quản lý hiệu quả việc sử dụng vốn nhà nước, phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Quan điểm sửa Luật Đấu thầu là hài hòa quyền lợi của Nhà nước và thông thoáng, thuận lợi cho chủ đầu tư khi mua sắm, không để xảy ra tình trạng trục lợi.

Theo báo cáo của Chính phủ, Dự thảo Luật có nhiều cải tiến để rút ngắn quy trình, thông thoáng, thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí, như đẩy mạnh lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng để rút ngắn thời gian; cắt giảm nhiều thủ tục cấp trung gian; cho phép chủ đầu tư được mua bổ sung hàng hóa, dịch vụ phát sinh trên cơ sở hợp đồng đã thực hiện trước đó…

Song song với đó, Dự thảo Luật có nhiều quy định nhằm nâng cao tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, thông thầu, gian lận… Ví dụ, quy định cụ thể các hành vi bị cấm; trách nhiệm của bên mời thầu, chủ đầu tư trong việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu nhằm khắc phục, ngăn chặn tình trạng cài cắm tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng; đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, coi đây là biện pháp giúp công khai, minh bạch tối đa, từ đó hạn chế hành vi vi phạm, trục lợi. Dự thảo Luật cũng quy định tất cả các thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu và kết quả thực hiện hợp đồng (trong đó có nội dung về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, công trình) phải được công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu để phục vụ cho việc đánh giá uy tín của nhà thầu và chất lượng sử dụng của hàng hóa mà nhà thầu đã cung cấp, làm cơ sở loại bỏ nhà thầu không có uy tín và hàng hóa không bảo đảm chất lượng…

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Quang Thắng - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Nam nhận định, nội dung Dự thảo Luật cơ bản bảo đảm được các tiêu chí quan trọng phải được tuân thủ trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Trong đó, để nâng cao trách nhiệm giải trình, Dự thảo Luật đã thiết lập các cơ chế hiệu quả cho phép cán bộ cấp trung ương, cấp bộ, cấp địa phương thực hiện trách nhiệm cá nhân của họ về các vấn đề rủi ro và chi tiêu trong đấu thầu... Dự thảo Luật đã nắm bắt được các yếu tố quản lý rủi ro và thể hiện sự cẩn trọng, bảo đảm cân bằng lợi ích hài hoà giữa các bên tham gia nhằm đạt được mục đích phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Dù vậy, từ thực tiễn đấu thầu và ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội cho thấy, công tác đấu thầu từ trước đến nay vẫn là lĩnh vực ẩn chứa nhiều yếu tố nhạy cảm, có thể gây nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn. Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, góp phần đưa Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đi vào cuộc sống, cơ quan có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu và các cá nhân tham gia trực tiếp vào hoạt động đấu thầu cần nâng cao năng lực chuyên môn, công tâm khi thực hiện công việc. Cùng với đó, cần làm tốt công tác giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và quá trình thực hiện hợp đồng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư