Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Bài toán vừa thông thoáng, vừa quản lý hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong hoạt động mua sắm công hiện nay, yêu cầu bức thiết đặt ra là phải làm sao cho thủ tục vừa thông thoáng, đơn giản để thực hiện thuận lợi, nhanh chóng, vừa có thể quản lý hiệu quả việc sử dụng vốn nhà nước, phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Đây là bài toán khó mà Cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần có lời giải để hài hòa hai mục tiêu này.
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) có nhiều cải tiến để rút ngắn quy trình, thông thoáng, thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí nhưng vẫn bảo đảm sự quản lý chặt chẽ trong chi tiêu, mua sắm công. Ảnh: Lê Tiên
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) có nhiều cải tiến để rút ngắn quy trình, thông thoáng, thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí nhưng vẫn bảo đảm sự quản lý chặt chẽ trong chi tiêu, mua sắm công. Ảnh: Lê Tiên

Trong ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã cho ý kiến tại hội trường về Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đấu thầu nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, bảo đảm sự phù hợp với thông lệ quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Các ĐBQH cho ý kiến vào nhiều nội dung của Dự thảo Luật, trong đó nêu bật yêu cầu phải quản lý hiệu quả hơn việc chi tiêu mua sắm công, hạn chế tiêu cực, tham nhũng. Đồng thời, cũng cần tạo thuận lợi hơn, đơn giản hóa thủ tục, tháo gỡ các vướng mắc trong công tác tổ chức đấu thầu phát sinh trong thực tiễn…

Thông tin tới ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong quá trình thảo luận về Dự thảo Luật, có nhiều luồng ý kiến về việc nên nới lỏng theo hướng thông thoáng, thuận lợi hơn, hay nên siết chặt để bảo đảm hiệu quả quản lý sử dụng vốn nhà nước. “Có nhiều ý kiến nói tại sao tư nhân làm nhanh như thế, hiệu quả như thế, quyết định dễ dàng như thế? Nhà nước làm lâu mà vẫn không hiệu quả, vẫn xảy ra tiêu cực, nhũng nhiễu, mất rất nhiều thời gian”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tại Quốc hội và làm rõ, bản chất là vấn đề sở hữu. Vốn tư nhân gắn liền với lợi ích của họ, “đồng tiền đi liền khúc ruột” nên bao giờ cũng quyết định rất nhanh. Còn sử dụng vốn nhà nước, phải thực hiện theo quy định của Nhà nước. Tư nhân được làm những điều pháp luật không cấm, các cơ quan nhà nước khi sử dụng tài sản nhà nước chỉ được thực hiện những điều pháp luật cho phép. Bộ trưởng khẳng định, quan điểm sửa Luật Đấu thầu là hài hòa quyền lợi của Nhà nước và thông thoáng, thuận lợi cho chủ đầu tư khi mua sắm, không để trục lợi. Quy định làm sao cho chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch để thuận lợi nhưng vẫn bảo đảm quản lý hiệu quả nguồn vốn nhà nước.

Về vấn đề đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm thời gian, chi phí trong đấu thầu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự thảo Luật có nhiều cải tiến để rút ngắn quy trình, thông thoáng, thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí nhưng vẫn bảo đảm sự quản lý chặt chẽ. Trong đó, đã thiết kế theo hướng phải đẩy mạnh lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng để rút ngắn thời gian; cắt giảm nhiều thủ tục cấp trung gian, như phê duyệt các danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật hay danh sách xếp hạng nhà thầu...; cho phép chủ đầu tư được mua bổ sung các hàng hóa, dịch vụ phát sinh trên cơ sở hợp đồng đã thực hiện trước đó; cho phép thực hiện trước một số hoạt động để chuẩn bị đấu thầu...

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) về thủ tục tại Dự thảo Luật rút ngắn được bao nhiêu thời gian, Bộ trưởng cho biết, quy trình đấu thầu được quốc tế đánh giá ngang bằng với các nước tiên tiến, kể cả Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…, trung bình khoảng 80 ngày. Với việc đẩy mạnh đấu thầu qua mạng và cắt giảm các thủ tục, thời gian đấu thầu dao động từ 32 ngày đến 48 ngày, thấp hơn so với rất nhiều nước. Sắp tới khi cắt giảm tiếp các thủ tục cũng như đẩy mạnh đấu thầu qua mạng thì thời gian này chắc chắn sẽ còn rút ngắn hơn, Bộ trưởng chia sẻ.

Khắc phục tình trạng gian lận, thông thầu, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu cũng là nội dung được rất nhiều ĐBQH quan tâm và yêu cầu phải có giải pháp căn cơ. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực tiễn cho thấy, hành vi thông đồng, gian lận, nâng khống giá, cài cắm trong hồ sơ mời thầu, can thiệp bất hợp pháp vào quá trình đấu thầu, chia nhỏ gói thầu để chỉ định... đang diễn biến hết sức phức tạp và tinh vi. Bên cạnh một số nguyên nhân chủ quan trong tổ chức thực hiện, còn có nguyên nhân là các quy định pháp luật về vấn đề này chưa đầy đủ và chặt chẽ. Lần này, Dự thảo Luật đã bổ sung hoàn thiện các quy định về hồ sơ mời thầu để chống hiện tượng cài cắm tiêu chí gây hạn chế cạnh tranh. Tiếp tục đẩy mạnh đấu thầu qua mạng để bảo đảm tính công khai, minh bạch; yêu cầu tất cả thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu, bao gồm chất lượng hàng hóa và dịch vụ công trình phải được công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Đồng thời, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu để phục vụ cho việc đánh giá uy tín nhà thầu và chất lượng của hàng hóa cung cấp. Dự thảo Luật cũng có nhiều quy định nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, sửa đổi, bổ sung các chế tài để xử lý vi phạm cũng như trách nhiệm xử lý của những người có thẩm quyền...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ tất cả các ý kiến; tiếp tục chỉnh lý, cùng với cơ quan thẩm tra của Quốc hội hoàn thiện Dự thảo Luật với chất lượng tốt nhất để báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông)

Về chỉ định thầu, tôi đề nghị cân nhắc quy định cụ thể hơn đối với một số trường hợp chỉ định thầu. Đơn cử, nếu tất cả gói tái định cư đều thực hiện chỉ định thầu là chưa phù hợp, nhất là đối với những gói thầu thực hiện tại địa bàn có điều kiện thuận lợi, có nhiều nhà thầu quan tâm. Trường hợp “Gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, vật tư trang thiết bị y tế, xây lắp, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân” cần quy định cụ thể hơn để bảo đảm thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (Trà Vinh)

Dự thảo Luật quy định khá rõ các trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Tuy nhiên, chưa quy định trách nhiệm của chủ đầu tư hủy thầu do lỗi chủ quan, hậu quả là phải hủy thầu, gây tổn hại cho nhà thầu, chậm tiến độ dự án và gây thiệt hại cho Nhà nước. Trong thực tế, thời gian qua việc hủy thầu vẫn diễn ra, mặc dù lý do hủy thầu không thuộc các trường hợp được quy định của pháp luật. Nếu lý do hủy thầu không chính đáng, không có trong quy định của Luật thì cần có chế tài xử lý.

Trong quá trình thực hiện đấu thầu cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc công khai thông tin về đấu thầu, làm cho môi trường đấu thầu ngày càng minh bạch hơn, lựa chọn được những nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thực hiện công trình đạt chất lượng, tiết kiệm cho chi phí cho Nhà nước.

Chuyên đề