Dự án Saigon Center IV, V sẽ hồi sinh sau 30 năm lận đận?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tọa lạc tại vị trí đắc địa ở trung tâm Quận 1 (TP.HCM), dù đã được cấp phép đầu tư từ 30 năm trước, nhưng các dự án Saigon Center IV, V đến nay vẫn chưa thể triển khai xây dựng. Mới đây, thông tin Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang sẽ chủ trì cuộc họp để xem xét, giải quyết vướng mắc cho Saigon Center IV, V mang đến hy vọng sớm tháo gỡ những nút thắt của các dự án.
Dự án Saigon Center IV, V dự kiến là các cao ốc văn phòng cho thuê
Dự án Saigon Center IV, V dự kiến là các cao ốc văn phòng cho thuê

Chưa bàn giao đủ quỹ đất để xây dựng

Dự án Saigon Center nằm tại số 92 - 94 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, TP.HCM. Năm 1993, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp phép đầu tư cho Công ty TNHH FPSL Watco thực hiện dự án này. FPSL Watco đã thành lập 5 công ty con, gồm Công ty TNHH Keppel Land Watco I, II, III, IV, V, tương ứng với 5 dự án thành phần Saigon Center I, II, III, IV, V. Thời hạn hoạt động của các dự án là 50 năm kể từ ngày 19/6/1993 (ngày giao đất).

Trong 5 dự án nói trên, 3 dự án Saigon Center I, II, III đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ lâu, 2 dự án Saigon Center IV, V đã “bất động” tròn 3 thập kỷ.

Keppel Land Watco là một liên doanh. Tại các dự án Saigon Center IV, V, Tổng công ty Đường sông Việt Nam và Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn góp vốn vào bằng quyền sử dụng đất, còn Tập đoàn Keppel Land của Singapore góp vốn bằng tiền. Hai dự án trên đình trệ kéo dài là do các đối tác Việt Nam chưa bàn giao đủ quỹ đất để xây dựng Dự án, khiến mục tiêu xây cao ốc văn phòng cho thuê chưa thành hiện thực.

Saigon Centre IV có quy mô sử dụng đất 3.376 m2, Saigon Centre V là 5.247 m2. Tổng công ty Đường sông Việt Nam và Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn đến nay mới góp 816 m2 đất cho Saigon Center IV, còn 5.247 m2 đất Saigon Center V chưa thấy đâu. 4 đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải gồm: Văn phòng thường trực phía Nam của Bộ, Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam, Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng công trình, Công ty CP Hàng hải Đông Đô đang sử dụng số đất nói trên.

Phương án đền bù, di dời chưa thống nhất

Theo UBND TP.HCM, do chưa thống nhất được phương án đền bù, di dời nên chưa thể giao đất cho Nhà đầu tư. Chính quyền Thành phố dù lâu nay đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để thỏa thuận các phương án nhưng vẫn chưa “chốt hạ”.

Để "cứu" 2 dự án này, UBND TP.HCM và Bộ Kế hoạch và Đầu tư có cùng quan điểm là kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh thời hạn hoạt động 2 dự án là 50 năm kể từ ngày bàn giao mặt bằng, theo quy định của Luật Đất đai 2014.

Do chưa thống nhất được phương án đền bù, di dời nên phía đối tác Việt Nam chưa thể giao đất cho Nhà đầu tư

Do chưa thống nhất được phương án đền bù, di dời nên phía đối tác Việt Nam chưa thể giao đất cho Nhà đầu tư

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Thủ tướng giao UBND TP.HCM phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và các bên liên quan thống nhất phương án đền bù giải phóng mặt bằng (nếu chấp thuận điều chỉnh thời gian giao đất như ý kiến nêu trên của UBND TP.HCM và Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Ngày 16/5/2023, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản hỏa tốc gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM về việc xử lý vướng mắc tại Dự án Saigon Center IV, V... Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý, báo cáo trước ngày 26/5/2023.

Trước đó, ngày 12/5/2023, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã tiếp Giám đốc điều hành Tập đoàn Keppel Land. Căn cứ đề nghị của Nhà đầu tư tại cuộc tiếp đón, đồng thời để đảm bảo hình ảnh và môi trường đầu tư của Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang sẽ chủ trì cuộc họp để xem xét, giải quyết vướng mắc tại Dự án Saigon Center IV, V, dự kiến vào tuần cuối tháng 5/2023. Dự án Saigon Center IV, V có hy vọng hồi sinh sau 30 năm lận đận.

Chuyên đề