Dự án PPP, dự án có sử dụng đất: Khi nhà đầu tư một mình một sân

(BĐT) - Qua thống kê sơ bộ 30 dự án PPP và dự án đầu tư có sử dụng đất có đăng tải danh sách ngắn nhà đầu tư trúng sơ tuyển trên Báo Đấu thầu trong năm 2016, đa số các dự án đều chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.

“Cuộc chiến” không đối thủ

Chẳng hạn như Dự án Xây dựng Công viên cây xanh hồ trung tâm gắn với di tích lịch sử Đồn Pom Pát, huyện Mường La (hợp đồng BT) do Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng huyện Mường La làm bên mời thầu, chỉ có Công ty CP Đầu tư Hồ Sa trúng sơ tuyển. Tổng vốn đầu tư của Dự án là 66,267 tỷ đồng.

Hay tại Dự án Đường Nguyễn Thiện Thuật (nối dài) do BQLDA các công trình xây dựng Nha Trang làm bên mời thầu, duy nhất Công ty CP Đầu tư Hacom Holdings trúng sơ tuyển. Dự án có tổng vốn đầu tư là 176,553 tỷ đồng.

Tương tự, Dự án Đầu tư xây dựng Đường trục khu trung tâm xã Đông Tiến, huyện Yên Phong theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) do UBND huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh làm bên mời thầu, Công ty CP Thủy sản khu vực 1 là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển. Tổng vốn đầu tư của Dự án là hơn 188,487 tỷ đồng.

Ông Lê Việt Cường, Phòng Tài chính - kế hoạch thuộc UBND huyện Yên Phong cho biết, trong quá trình tham gia sơ tuyển, chỉ có Công ty CP Thủy sản khu vực 1 tham gia và trúng sơ tuyển. Công ty CP Thủy sản khu vực 1 cũng từng trúng một dự án PPP (hợp đồng BT) khác trên địa bàn Huyện (Dự án Đầu tư xây dựng khu trung tâm hành chính xã Văn Môn, huyện Yên Phong).

Ở một số dự án khác, vẫn là 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển nhưng dưới hình thức nhà đầu tư liên danh. Ví dụ như Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Châu Đốc, tỉnh An Giang theo hình thức PPP (hợp đồng BOT) do BQLDA 7 (Bộ GTVT) làm bên mời thầu với tổng vốn đầu tư là 820,981 tỷ đồng. Liên danh 3 nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng 168 - Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt - Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 trúng sơ tuyển.

Hay tại Dự án Cầu Long Kiến - Long Giang do UBND huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang làm bên mời thầu (tổng vốn đầu tư là 35,934 tỷ đồng), nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển là Liên danh Công ty TNHH MTV Dương Khang và Công ty TNHH Phước Lộc...

Một loạt các dự án PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất khác cũng có tình cảnh tương tự, nhà đầu tư trúng sơ tuyển với tư cách “một mình một sân”, không có đối thủ để cạnh tranh như: Công ty CP Tập đoàn HTV Việt Nam (Dự án Đường dọc Kênh số 8 Khu đô thị Tây Bắc thành phố theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BT); Công ty TNHH Thành Tâm 668 (Dự án Khu dân cư); Công ty Mạnh Đức - TNHH (Dự án Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp đường Lý Thái Tổ (đoạn từ TL.295B đến QL1A mới) trung tâm thị xã Từ Sơn và đầu tư xây dựng một số công trình trên địa bàn thị xã Từ Sơn theo hình thức PPP (hợp đồng BT). 

Đâu là nguyên nhân?

Dự án PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất thường có quy mô và tổng vốn đầu tư lớn, trong khi đó, năng lực của các nhà đầu tư trong nước còn hạn chế.
Theo quy định tại Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (NĐ30), hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án PPP được áp dụng trong trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển. Với kết quả sơ tuyển như nêu trên, mặc nhiên bên mời thầu có quyền chỉ định nhà đầu tư đó thực hiện dự án.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực PPP, xét theo các quy định của pháp luật về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (Luật Đấu thầu 2013, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, NĐ30 và các văn bản hướng dẫn thi hành), các trường hợp trên đều tuân thủ đúng quy định. Điểm đáng ghi nhận, đó là các thông tin tóm tắt về dự án PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất đã được công khai rộng rãi. Khác với Nghị định số 108/2009/NĐ-CP trước đây, chỉ quy định công bố tên dự án và nhà đầu tư đăng ký, thì nay, các thông tin tóm tắt về dự án được công bố khá đầy đủ, từ báo cáo nghiên cứu khả thi, đề xuất dự án và thông báo mời sơ tuyển. Trong thông báo mời sơ tuyển, bên mời thầu phải công khai rộng rãi các thông tin về dự án như loại dự án, các hợp phần, địa điểm và thời gian thực hiện, tổng vốn đầu tư, mục tiêu đầu tư, hình thức hợp đồng, hình thức lựa chọn nhà đầu tư, thời gian và địa điểm phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, thời điểm đóng, mở thầu...

Tuy nhiên, theo chuyên gia nêu trên, việc chỉ có một nhà đầu tư tham gia sẽ làm giảm sự cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để đảm bảo hiệu quả, chất lượng dự án tốt nhất, bởi bên mời thầu không có nhiều lựa chọn. Nguyên nhân của thực trạng này có từ cả hai phía, đối tác công và tư. Dự án PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất thường có quy mô và tổng vốn đầu tư lớn, trong khi đó, năng lực của các nhà đầu tư trong nước còn hạn chế. Mặt khác, một số nhà đầu tư cũng có thiên hướng chỉ tập trung đầu tư ở một phạm vi nhất định, khoanh vùng đầu tư, nên những dự án ở địa phương khác, họ không quan tâm.

Nguyên nhân khác là từ phía bên mời thầu, đại diện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất. Sở dĩ có ít nhà đầu tư quan tâm là do công tác xúc tiến đầu tư các dự án PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất còn yếu, nên chưa được nhà đầu tư trong nước và quốc tế biết đến.        

Chuyên đề