Theo Bộ Giao thông vận tải, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam có quy mô rất lớn nên không khả thi để kêu gọi đầu tư như một dự án duy nhất. Ảnh: Tường Lâm |
Lựa chọn khả thi
Dự án có điểm đầu tại nút giao Cao Bồ, thuộc địa phận huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, điểm cuối tại nút giao Dầu Giây, thuộc địa phận huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, với tổng chiều dài khoảng 1.372 km, đi qua 16 tỉnh, thành phố. Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư toàn Dự án với quy mô hoàn chỉnh khoảng 312.435 tỷ đồng.
Trước đó, tại Tờ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, Bộ GTVT cho rằng, việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là lựa chọn khả thi trong bối cảnh đường sắt tốc độ cao chưa thể đầu tư sớm. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, để triển khai thành công các dự án theo hình thức PPP không thể quyết định bởi phía cơ quan nhà nước, mà phụ thuộc rất nhiều vào thị trường. Ngoài ra, trong điều kiện hiện nay, các cơ chế bảo lãnh chưa được áp dụng, nên việc kêu gọi nhà đầu tư và nguồn vốn tín dụng nước ngoài tham gia đầu tư Dự án rất khó khả thi. Trong khi đó, năng lực của nhà đầu tư trong nước còn hạn chế, thị trường tín dụng trong nước khó khăn, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án chưa thể khẳng định ngay là thành công.
Vẫn theo Bộ GTVT, toàn bộ Dự án có quy mô rất lớn nên không khả thi để kêu gọi đầu tư như một dự án duy nhất. Mặt khác, tiến độ đầu tư từng đoạn tuyến là khác nhau, phụ thuộc vào nhu cầu vận tải. Cho nên, Bộ GTVT kiến nghị chia Dự án thành 20 dự án thành phần vận hành độc lập để đầu tư với các hình thức khác nhau, phù hợp theo nguyên tắc: các dự án hoàn thành có thể đưa vào khai thác độc lập, kết nối được với hệ thống; quy mô dự án không quá lớn để có thể kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP và điều kiện đặc thù của từng dự án thành phần...
Quyết làm ngay cả khi đấu thầu mà không lựa chọn được nhà đầu tư
Căn cứ theo phương án đầu tư mà Bộ GTVT xây dựng thì Dự án được phân thành 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 từ 2017 - 2025 và giai đoạn 2 từ sau năm 2025. Ở giai đoạn 1 sẽ có ưu tiên 1 và ưu tiên 2. Cụ thể, ở ưu tiên 1 (2017 - 2020), Dự án được tiến hành đầu tư xây dựng với chiều dài khoảng 713 km. Trong đó, chiều dài các đoạn cao tốc được xây dựng mới khoảng 632 km. Ở ưu tiên 2 (2021 - 2025), Dự án sẽ đầu tư xây dựng các đoạn còn lại (khoảng 659 km) để nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam, gồm 9 dự án thành phần.
Cũng cần nói thêm, ở ưu tiên 1, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện theo quy mô quy hoạch đã được duyệt và chia thành 20 dự án thành phần với tổng mức đầu tư khoảng 130.216 tỷ đồng, trong đó, phần vốn nhà nước hỗ trợ là 55.000 tỷ đồng và phần vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng. Ở ưu tiên 2, công tác GPMB chia thành 14 dự án thành phần với tổng mức đầu tư khoảng 113.096 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước hỗ trợ khoảng 56.955 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư khoảng 56.141 tỷ đồng.
Từ những phân tích nêu trên, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội chấp thuận phương án phân bổ 15.000 tỷ đồng (số vốn còn lại trong tổng 70.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 26/2016/QH16 của Quốc hội) cho một số công trình quan trọng, cấp bách mà Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
“Trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư, kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội chấp thuận vẫn GPMB theo kế hoạch (khoảng 13.028 tỷ đồng/713 km); phần còn lại khoảng 41.972 tỷ đồng (trong tổng số 55.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ theo Nghị quyết của Quốc hội) sẽ sử dụng để đầu tư theo một trong hai hướng: Một là, đầu tư trước một số dự án thành phần có nhu cầu cấp bách theo hình thức đầu tư công; sau khi đầu tư xong, sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhượng quyền vận hành, khai thác; nguồn vốn thu được sẽ tiếp tục đầu tư các đoạn tiếp theo. Hai là, đồng thời giao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) là các tổng công ty 100% vốn nhà nước huy động nguồn lực để đầu tư một số dự án thành phần”, Bộ GTVT đề xuất.