Dự án Discovery Complex đã xây xong 5 tầng hầm, 8 tầng khối đế nên rất khó cưỡng chế tháo dỡ. Ảnh: Hà Quang |
Sai “từ gốc”
Các Dự án Discovery Complex và Discovery Complex II (8B, Lê Trực, quận Ba Đình) với sự tham gia đầu tư của Công ty cổ phần Kinh Đô TCI Group vừa tiếp tục bị dư luận phát hiện những sai phạm mới. Thậm chí, sai phạm phát hiện sau còn nghiêm trọng hơn sai phạm tại Dự án Discovery Complex II.
Cụ thể, tại Dự án Discovery Complex, câu chuyện lại rất phức tạp, khi so với giấy phép, chủ đầu tư xây vượt 3 tầng tại khối đế của tòa nhà, trong khi phần tháp căn hộ phía bên trên đã thi công trên 20 tầng.
Theo Giấy phép xây dựng số 65/GPXD do ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội ký năm 2009, dự án này được phép xây 5 tầng hầm và 5 tầng khối đế thông nhau, 1 tầng cây xanh và khu Văn phòng - Chung cư cao cấp, với tổng số 54 tầng. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và dịch vụ Cầu Giấy đã phớt lờ các quy định tại giấy phép khi tự ý xây thêm 3 tầng khối đế thành 8 tầng.
Với sai phạm này, ngày 31/10/2015, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng đã ký Quyết định số 70/QĐ-CT.UBND đình chỉ thi công dự án Discovery Complex. Quyết định ghi rõ, chủ đầu tư đã xây dựng 3 tầng khối đế nằm ngoài giấy phép. Tại thời điểm đình chỉ thi công, Dự án đã xây xong 5 tầng hầm, 8 tầng khối đế, 1 tầng cây xanh và 2 khối nhà 20 tầng.
Liên quan đến công tác xử lý vi phạm, căn cứ vào quyết định đình chỉ thi công, ngày 3/11/2015, UBND quận Cầu Giấy đã ban hành Quyết định buộc chủ đầu tư nộp phạt 80 triệu đồng, buộc xin điều chỉnh Giấy phép xây dựng trong vòng 60 ngày. Nếu quá hạn, dự án này sẽ bị cưỡng chế, phá dỡ. Theo quyết định này, chủ đầu tư còn phải xin điều chỉnh giấy phép xây dựng trước ngày 1/1/2016. Nếu quá hạn, dự án này cũng sẽ bị cưỡng chế, phá dỡ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư chưa xuất trình được giấy phép xây dựng điều chỉnh.
Quá khứ ám ảnh
Theo những thông tin mà phóng viên Báo Đầu tư có được, Discovery Complex tiền thân là Dự án Trung tâm thương mại số 302, Cầu Giấy đã được khởi công ngày 21/10/2004 do Công ty Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hà Nội (Servico Hanoi) làm chủ đầu tư, với quy mô 15 tầng. Nhưng đến năm 2005, sau khi UBND TP. Hà Nội có quyết định cổ phần hoá Servico Hanoi, việc xây dựng Dự án đã phải dừng lại.
Năm 2007, khi thị trường bất đống sản Hà Nội sốt nóng, sau khi Dự án được giao cho Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và dịch vụ Cầu Giấy làm chủ đầu tư, công trình được tái khởi động và nâng quy mô lên 35 tầng. Ở thời điểm đó, hàng chục khách hàng đã ký hợp đồng góp vốn để giành quyền mua căn hộ tại Dự án. Tuy nhiên, vào năm 2008, do thị trường bất động sản có những diễn biến trái chiều, nên Dự án lại tiếp tục không thể triển khai. Hậu quả là, nhiều khách hàng từng góp vốn vào dự án đã mất rất nhiều thời gian và công sức để đòi lại phần vốn góp của mình.
Đến tháng 3/2010, Dự án một lần nữa được tái khởi động, với tên gọi mới là Trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ cao cấp. Chủ đầu tư khi đó giao việc thi công hạng mục tường vây dự án cho nhà thầu là Công ty Bachy Soletanche Việt Nam. Do bất đồng giữa 2 bên, Bachy Soletanche sau đó đã bị Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ Cầu Giấy khởi kiện và Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã cho phong tỏa máy móc thi công tại công trường.
Đến giữa năm 2012, Dự án được điều chỉnh quy mô chiều cao từ 1 tòa tháp cao 35 tầng lên thành 2 tòa tháp cao 38 tầng (văn phòng) và 50 tầng (căn hộ) và có sự tham gia đầu tư của Công ty cổ phần Kinh Đô TCI Group. Việc Discovery Complex được điều chỉnh quy hoạch từ dự án trung tâm thương mại (với quy mô 15 tầng) thành tổ hợp cao ốc thương mại - văn phòng - nhà ở cao 38 và 50 tầng cũng đã từng được dư luận đặt dấu hỏi khi nhiều dự án tương tự tại Cầu Giấy xin điều chỉnh quy mô từ 11 lên 17 tầng; 15 lên 25 tầng hay 16 lên 29 tầng trong nhiều năm qua chưa được UBND TP. Hà Nội chấp thuận.
Phạt cho tồn tại?
Trước đó, liên quan đến việc xử lý sai phạm về trật tự xây dựng tại công trình Discovery Complex II, Thanh tra thành phố Hà Nội đã có kết luận về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm tại công trình này. Theo đó, việc xây dựng của chủ đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn giám sát và việc quản lý trật tự xây dựng của các cơ quan quản lý Nhà nước đã có vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng. Mặc dù chủ đầu tư đã lập phương án phá dỡ gồm hai giai đoạn, nhưng chưa phù hợp với tiến độ, giải pháp phá dỡ.
Kết luận của Thanh tra thành phố cũng kiến nghị UBND TP. Hà Nội giao Giám đốc Sở Xây dựng kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật đối với tập thể, các cá nhân có sai phạm thuộc trách nhiệm quản lý; báo cáo đề xuất xử lý đối với cán bộ liên quan thuộc Hà Nội quản lý, có hình thức xử lý kỷ luật theo quy định đối với những sai phạm nêu tại Kết luận Thanh tra.
Ngoài ra, Thanh tra thành phố cũng kiến nghị UBND TP. Hà Nội giao Chủ tịch UBND quận Ba Đình kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan, có hình thức xử lý kỷ luật theo quy định; đồng thời tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, thường xuyên kiểm tra giám sát, kịp thời phát hiện, đôn đốc, kiên quyết xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.
Tuy nhiên, với trường hợp Dự án Discovery Complex, việc khắc phục sai phạm sẽ thực sự là một thách thức lớn, ngay cả khi chủ đầu tư chấp nhận phương án cưỡng chế phá dỡ. Câu hỏi mà dư luận đặt ra là, các bên liên quan sẽ tiến hành phá dỡ như thế nào 3 tầng khối đế của tòa nhà khi các tầng trên đã đổ bê tông hơn 30 tầng mà không làm ảnh hưởng đến kết cấu của tòa nhà. Tại sao một công trình xây dựng đồ sộ nằm trên trục đường chính của Thủ đô lại có thể xảy ra sai phạm lớn đến mức, việc khắc phục hậu quả gần như là “bất khả thi”(?)!