Dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư dự kiến là 4.827,32 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi |
Qua lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, kết quả thẩm định cho thấy, nhiều nội dung liên quan tới Dự án vẫn chưa được Bộ GTVT làm rõ, chưa có căn cứ để xác định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn giai đoạn 2021 - 2025.
Ngày 24/4/2020, Bộ GTVT có Tờ trình số 3950/TTr-BGTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1 theo hình thức đầu tư công. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án dự kiến khoảng 4.827,32 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 2.891,51 tỷ đồng. Dự án đã được cân đối bố trí 932 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ GTVT. Còn lại 3.895,32 tỷ đồng được đề xuất bố trí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ GTVT dự kiến áp dụng hình thức chuyển nhượng, cho thuê quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản công đối với Dự án. Đơn vị được nhượng quyền thu phí sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục phục vụ quản lý, khai thác và thu phí; khoảng 12 năm sẽ thu hồi tổng số vốn đã đầu tư cho Dự án.
Bộ KH&ĐT đã tổ chức thẩm định Dự án, lấy ý kiến của các bộ: Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh: Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ.
Trên cơ sở đó, cơ quan thẩm định đề nghị Bộ GTVT rà soát việc thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư của Dự án, đảm bảo không xảy ra tranh chấp và chịu trách nhiệm xử lý hệ quả đối với việc hủy sơ tuyển đối với các nhà đầu tư đã vượt qua bước sơ tuyển, tránh khiếu kiện.
Nhu cầu sử dụng đất của Dự án là 162 ha. Tuy nhiên, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa nêu rõ hiện trạng sử dụng đất, giải pháp sơ bộ phương án giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Ngoài ra, đối với nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, Bộ GTVT đã được giao 932 tỷ đồng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2020 để giải phóng mặt bằng Dự án. Đối với nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 (3.895,32 tỷ đồng), hiện chưa có dự kiến số vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước cho giai đoạn này của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Do đó, chưa có cơ sở để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với Dự án.
Để sắp xếp nguồn vốn cho Dự án, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT phải tổng hợp danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; cân đối bố trí nguồn vốn của Bộ trong giai đoạn 2021 - 2025 đối với Dự án khi kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua.