Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ: Chuyển chủ đầu tư, cơ quan quản lý nói gì?

(BĐT) - Quyết định chuyển chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1 theo hình thức PPP, hợp đồng BOT vào cuối tháng 3/2020 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã vấp phải ý kiến tranh cãi của doanh nghiệp dự án và dư luận. Tuy nhiên, Bộ GTVT khẳng định, quyết định trên hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa Dự án vào khai thác.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được chuyển chủ đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa Dự án vào khai thác
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được chuyển chủ đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa Dự án vào khai thác

Ngày 24/3/2020, Bộ GTVT ban hành Quyết định số 437/QĐ-BGTVT về việc giao nhiệm vụ chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị dự án nói trên cho Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long thay cho Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long. Quyết định này gây nhiều thắc mắc cho dư luận liên quan đến tư cách pháp nhân và nhiệm vụ của Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long có thực sự phù hợp với việc làm chủ đầu tư dự án PPP có quy mô hàng nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, điều mà dư luận chưa rõ là Tổng công ty là doanh nghiệp nhà nước hay một ban QLDA chuyên ngành trực thuộc Bộ GTVT? Nếu là doanh nghiệp nhà nước thì phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và không thực hiện chức năng quản lý nhà nước thay cho đơn vị hành chính sự nghiệp của Bộ GTVT. Hơn nữa, tháng 10/2019, tổng công ty này đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng liên quan việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Cuối năm 2019, Bộ GTVT cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương kết thúc mô hình thí điểm và chấm dứt hoạt động của Tổng công ty để thành lập Ban QLDA Mỹ Thuận trực thuộc Bộ GTVT. Vì thế, việc điều chuyển nhiệm vụ chủ đầu tư Dự án của Bộ GTVT bị dư luận xem là “con đường lòng vòng”, thêm rắc rối đối với tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Ngày 8/4/2020, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Văn phòng Bộ GTVT khẳng định, Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ GTVT, có chức năng quản lý dự án hoạt động như một ban QLDA chuyên ngành. Việc Bộ GTVT giao Tổng công ty quản lý Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật, phát huy được thế mạnh kinh nghiệm quản lý thành công các dự án giao thông lớn của Tổng công ty, có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai và sớm đưa Dự án vào khai thác.

Năm 1994, để thực hiện quản lý đầu tư xây dựng Dự án cầu Mỹ Thuận, Bộ GTVT đã thành lập Ban QLDA cầu Mỹ Thuận. Sau đó, ban này còn được Bộ GTVT giao quản lý một số dự án khác. Để phù hợp với nhiệm vụ, phạm vi quản lý, năm 1995, Bộ GTVT đã đổi tên Ban QLDA cầu Mỹ Thuận thành Ban QLDA Mỹ Thuận.

Thực hiện chủ trương thí điểm chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã xây dựng Đề án thành lập Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long trên cơ sở chuyển đổi Ban QLDA Mỹ Thuận và sáp nhập một số đơn vị thuộc Bộ GTVT tại khu vực phía Nam. Tổng công ty có chức năng quản lý các dự án công trình hạ tầng giao thông, có trách nhiệm kế thừa các quyền, nhiệm vụ và nghĩa vụ hợp pháp của Ban QLDA Mỹ Thuận theo quy định của pháp luật, thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư hoặc đại diện chủ đầu tư các dự án Ban QLDA Mỹ Thuận đang quản lý.

Thời gian qua, Ban QLDA Mỹ Thuận và nay là Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long đã quản lý các dự án lớn do Bộ GTVT giao như: cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, cao tốc TP.HCM - Trung Lương… Bộ GTVT cho biết, một số sai phạm của các cán bộ thuộc Tổng công ty đã bị xử lý nghiêm minh. Việc giao cho Tổng công ty nhiệm vụ chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, là địa bàn quản lý và hoạt động của đơn vị này, sẽ có nhiều thuận lợi trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án. Trong khi đó, Ban QLDA Thăng Long lại đóng ở Hà Nội, xa địa bàn thi công công trình Dự án).         

Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài 23 km, được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư điều chỉnh là 4.758 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ 923 tỷ đồng. Hiện nay, cùng với một số dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án này cũng đang được xin ý kiến chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công.

Chuyên đề