Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn: Cạnh tranh cung cấp dịch vụ thu phí tự động

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Thời gian vừa qua, một số địa phương đã chủ động phối hợp cùng các nhà đầu tư BOT phê duyệt tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) trên các tuyến do địa phương quản lý, trong đó có Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Tiêu chí tiên quyết đưa ra để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ ETC, theo một số nhà đầu tư, là phù hợp nguyên tắc thị trường, tránh áp đặt.

Hai nhà đầu tư đã nộp hồ sơ đề xuất cung cấp dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức tự động không dừng trên tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Ảnh: Tâm An
Hai nhà đầu tư đã nộp hồ sơ đề xuất cung cấp dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức tự động không dừng trên tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Ảnh: Tâm An

Mới đây, trong vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp cùng nhà đầu tư Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn phê duyệt tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng trên các tuyến do địa phương quản lý. Tiêu chí tiên quyết đưa ra để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ ETC là mức phí dịch vụ đề xuất (tỷ lệ % trên doanh thu) với giá thấp nhất và đảm bảo tiến độ lắp đặt thiết bị, kết nối hoàn thành trước ngày 31/12/2020.

Tại Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn đã mời Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (Công ty VETC) và Công ty CP Giao thông số Việt Nam (Công ty VDTC) nộp hồ sơ đề xuất cung cấp dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức tự động không dừng trên tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Ngày 2/11/2020, Công ty VETC và Công ty VDTC đã nộp hồ sơ đề xuất. Theo biên bản mở thầu, cả hai nhà đầu tư cùng chào mức phí dịch vụ đề xuất là 2% doanh thu toàn trạm cao tốc (không bao gồm thuế VAT). Do vậy, Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị hai đơn vị này chào lại giá. Ở lần chào thầu tiếp theo, VETC và VDTC chào thầu lại với mức phí 2% tổng doanh thu toàn trạm (không bao gồm VAT), VDTC miễn phí giá dịch vụ trong vòng 90 ngày kể từ ngày chính thức đưa dịch vụ vào sử dụng.

Dù kết quả là VETC hay VDTC được lựa chọn thì theo một số nhà đầu tư BOT, cách lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ ETC này đã có sự phối hợp, tôn trọng nhà đầu tư dự án BOT, có sự cạnh tranh để đưa ra mức phí phù hợp theo nguyên tắc thị trường. “Với cách làm này, nhà đầu tư BOT chắc chắn sẽ không còn e ngại khi hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ ETC”, một nhà đầu tư BOT lớn chia sẻ.

Cách lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ ETC này khác với cách thức Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã áp dụng tại 2 dự án ETC giai đoạn 1 và giai đoạn 2 theo hình thức BOO (gọi tắt là dự án BOO). Khi đó, Bộ GTVT là cơ quan thực hiện lựa chọn nhà đầu tư 2 dự án ETC. Dự án BOO giai đoạn 1 chỉ định cho Liên danh Công ty CP TASCO - Công ty CP VETC. Dự án BOO giai đoạn 2 đấu thầu rộng rãi và nhà đầu tư được lựa chọn là Liên danh Viettel - Công ty CP Đầu tư công nghệ Hạ tầng Vietin - Công ty CP Thương mại dịch vụ viễn thông Việt Vương - Công ty CP Công nghệ Tiên phong (Viettel - Vietinf - VVT - ITD). Phí dịch vụ ETC được Bộ GTVT xác định tại hợp đồng với nhà đầu tư BOO.

Theo một số nhà đầu tư BOT, số lượng trạm thu phí thuộc phạm vi 2 dự án BOO trên rất nhiều, tuy nhiên, các nhà đầu tư BOT gần như không được tham vấn, dù dự án BOO “ký sinh” vào dự án của nhà đầu tư BOT, mà bị áp đặt phải ký hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ ETC đã được Bộ GTVT lựa chọn với mức phí đã được ấn định. Sự áp đặt, không hợp lý ở mức phí và cách thức quản lý, vận hành đối với một số trạm, là lý do khiến một số nhà đầu tư chưa thực hiện ký hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ ETC, dù hạn chót cho thu phí không dừng đã sắp đến.

Chuyên đề