Dự án BT không “có lỗi”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cùng với BOT, BT là loại hợp đồng được áp dụng nhiều nhất để thu hút nhà đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng trong giai đoạn đầu. Với các dự án BT, một lượng vốn lớn từ khu vực tư nhân đã đổ vào nhiều công trình, dự án bất động sản đã hoàn thành, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết nhu cầu chỗ ở cho người dân.
Theo Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội được phép quyết định dự án BT trong lĩnh vực giao thông vận tải, thủy lợi, thoát nước, xử lý nước thải. Ảnh: Nhã Chi
Theo Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội được phép quyết định dự án BT trong lĩnh vực giao thông vận tải, thủy lợi, thoát nước, xử lý nước thải. Ảnh: Nhã Chi

Việc xử lý dứt điểm những vướng mắc của các dự án BT sẽ góp phần củng cố niềm tin vào môi trường đầu tư, đưa quỹ đất đối ứng vào khai thác, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.

Nhận diện và xử lý vướng mắc

Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong số 162 dự án BT chuyển tiếp, Bắc Ninh có 41 dự án, Hà Nội 17 dự án, Khánh Hòa 15 dự án, Hà Nam 12 dự án, Thái Nguyên 10 dự án, Đà Nẵng 6 dự án, Bắc Giang 6 dự án… Tổng mức đầu tư của các dự án BT là 58.616 tỷ đồng, dự kiến bố trí khoảng 20.673 ha quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư.

Qua rà soát các dự án, Bộ KH&ĐT ghi nhận 3 nhóm vướng mắc. Nhóm 1 là vướng mắc phát sinh từ quy định của luật về thanh toán cho nhà đầu tư. Cụ thể, giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán thường vượt quá giá trị công trình BT; chưa có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục bố trí ngân sách nhà nước để thanh toán hoặc bồi thường chấm dứt hợp đồng cho nhà đầu tư.

Nhóm 2 là vướng mắc phát sinh do thiếu quy định để thực hiện ở nghị định hoặc quy định còn cách hiểu chưa thống nhất. Trong đó có vấn đề sử dụng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng hoặc trụ sở cơ quan nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư; quy định về sử dụng quỹ đất trong đó có phần diện tích đất công để thanh toán cho nhà đầu tư chưa cụ thể; chưa có quy định để xử lý phần kinh phí nhà đầu tư đã ứng trước để thực hiện giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư của quỹ đất đối ứng... Đa số các vướng mắc có liên quan đến quy định tại Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.

Nhóm 3 là những vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng như: chậm trễ đền bù, giải phóng mặt bằng dẫn đến phải gia hạn thời gian thực hiện dự án, làm phát sinh chi phí đầu tư, gia tăng khoản lãi vay và làm tăng giá trị các dự án BT; nhà đầu tư chưa nộp giá trị nộp ngân sách nhà nước đã chào tại hồ sơ dự thầu.

Báo cáo Chính phủ tháng 4 vừa qua, Bộ KH&ĐT đề xuất giải pháp xử lý đối với các nhóm vướng mắc nêu trên. Với Nhóm 1 - các vướng mắc phát sinh từ quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hoặc chưa có quy định tại Luật, vượt thẩm quyền xử lý của Chính phủ, Bộ KH&ĐT đề xuất phương án xử lý tại nghị quyết của Quốc hội, áp dụng riêng đối với dự án BT chuyển tiếp. Đồng thời, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nguồn vốn để bố trí ngân sách nhà nước thanh toán hoặc bồi thường chấm dứt hợp đồng cho nhà đầu tư.

Để giải quyết vướng mắc thuộc Nhóm 2, cần sửa đổi, bổ sung các nghị định có liên quan như Nghị định số 69/2019/NĐ-CP, bổ sung quy định chuyển tiếp cho dự án BT tại Nghị định số 35/2021/NĐ-CP liên quan đến điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP liên quan đến điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công dự án BT.

Vướng mắc ở Nhóm 3 thuộc thẩm quyền xử lý của các cơ quan ký kết hợp đồng, các cơ quan này cần chủ động trao đổi, đàm phán với nhà đầu tư, xử lý theo thẩm quyền theo quy định của pháp luật và hợp đồng dự án.

Ngày 8/7/2024, Văn phòng Chính phủ có thông báo về kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội xử lý vướng mắc đối với dự án BT chuyển tiếp. Theo đó, tại Văn bản số 4443/VPCP-PL ngày 26/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) ngay trong tháng 10/2024. Do đó, việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết xử lý vướng mắc đối với dự án BT chuyển tiếp cùng thời điểm với việc sửa đổi Luật PPP là khó thuyết phục.

Để bảo đảm xử lý tổng thể, giải quyết các tồn tại, vướng mắc và khơi thông nguồn lực đầu tư theo phương thức PPP (trong đó có các dự án BT), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ KH&ĐT thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, khẩn trương triển khai các thủ tục theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội Dự thảo Luật PPP sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2024.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện sở KH&ĐT một số địa phương có dự án BT vướng mắc đề xuất bổ sung quy định chuyển tiếp khi sửa đổi Luật PPP, trong đó làm rõ một số vấn đề pháp luật quy định còn chưa rõ, vướng mắc như đã chỉ ra để địa phương thuận lợi khi xử lý.

Nếu có cơ chế tốt, đầu tư theo hợp đồng BT sẽ phát huy hiệu quả

Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu: Nếu được nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất cơ chế thực hiện rõ ràng, minh bạch, đầu tư theo loại hợp đồng BT sẽ phát huy được hiệu quả. Tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và tại Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào ngày 28/6/2024, Quốc hội đã cho phép triển khai loại hợp đồng BT.

Theo Nghị quyết số 98, TP.HCM được áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng tiền. Trong đó, thẩm quyền, trình tự, thủ tục về lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý dự án, chi phí đầu tư, chất lượng xây dựng công trình, dự án áp dụng loại hợp đồng BT được thực hiện như đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng. Dự án chỉ được quyết định chủ trương đầu tư khi xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn... Việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện sau khi thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được phê duyệt...

Lý giải việc áp dụng lại cơ chế BT trong quá trình xây dựng Nghị quyết số 98, UBND TP.HCM cho biết, Thành phố có nhiều công trình giao thông cấp bách, cần triển khai thực hiện ngay nhưng chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách để thực hiện, gây tắc nghẽn giao thông, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân. Có thể kể đến các dự án: xây dựng cầu Cần Giờ; cầu, đường Nguyễn Khoái; nâng cấp, mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; mở rộng đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương… Do vậy, cần huy động tối đa nguồn lực xã hội với các phương thức hợp tác đa dạng để đầu tư các công trình này. Các dự án được áp dụng loại hợp đồng BT có thể triển khai đầu tư ngay trong giai đoạn 2023 - 2025… Việc thanh toán bằng tiền sẽ thuận lợi hơn thanh toán bằng quỹ đất, do việc thanh toán bằng quỹ đất chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật liên quan và cần tiếp tục nghiên cứu có giải pháp hạn chế các tồn tại.

Sau TP.HCM, Hà Nội cũng sẽ áp dụng lại hợp đồng BT trong một số lĩnh vực theo Luật Thủ đô (sửa đổi). Cơ chế của Hà Nội rộng hơn TP.HCM, dự án BT được thanh toán bằng tiền và quỹ đất khi đáp ứng những nguyên tắc, điều kiện nhất định. Theo đó, Hà Nội được phép quyết định dự án BT trong lĩnh vực giao thông vận tải, thủy lợi, thoát nước, xử lý nước thải. Việc đề xuất thực hiện các dự án này theo hợp đồng BT thanh toán bằng tiền hoặc đất sẽ tăng cường khả năng huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội khi ngân sách nhà nước chưa kịp thời đáp ứng.

2 thành phố lớn đã được áp dụng trở lại loại hợp đồng BT với cách làm mới, chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, theo một số ý kiến, cần nhìn nhận các rủi ro, lỗ hổng trước đây để khắc phục và đặc biệt chú trọng tính minh bạch, cạnh tranh, trách nhiệm giải trình khi thực hiện các dự án mới theo hợp đồng BT để bảo đảm hiệu quả mong muốn.

Nhìn lại một trong những lý do dẫn đến dừng thực hiện hợp đồng BT tại Luật PPP là do khởi phát tình trạng thất thoát, lãng phí nguồn lực đất đai… Có thể thấy, một trong những tồn tại của dự án BT giai đoạn trước Luật PPP xuất phát từ sự thiếu cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư, khi hầu hết các dự án BT do nhà đầu tư đề xuất và sau đó được chỉ định thầu.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư