Dự án BOT Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang: Liệu có thêm khó khăn?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án BOT Quốc lộ (QL) 91 đoạn nối Cần Thơ - An Giang là một trong những dự án gặp nhiều khó khăn về thu phí, khi một trong hai trạm thu phí hoàn vốn cho Dự án phải xả trạm, dừng thu phí trong thời gian qua. Trong tương lai, khi Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được xây dựng và hoàn thành, chạy song hành với Dự án BOT QL 91, theo một số ý kiến có thể khiến Dự án phải chia sẻ lưu lượng xe, cần nghiên cứu đánh giá tác động sớm để có biện pháp xử lý.
Dự án BOT Quốc lộ 91 đoạn nối Cần Thơ - An Giang là một trong những dự án gặp nhiều khó khăn về thu phí. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Dự án BOT Quốc lộ 91 đoạn nối Cần Thơ - An Giang là một trong những dự án gặp nhiều khó khăn về thu phí. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Dự án BOT QL 91 do Liên danh Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) - Công ty CP Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO là nhà đầu tư. Doanh nghiệp dự án là Công ty CP Đầu tư Quốc lộ 91.

Dự án tiến hành cải tạo, nâng cấp QL 91 theo hai phân đoạn với tổng mức đầu tư hơn 1.720 tỷ đồng. Trong đó, phân đoạn một là cải tạo, nâng cấp QL 91 từ Km 14 đến Km 50+889; phân đoạn hai là mở rộng và tăng cường nền mặt đường QL 91B đoạn từ Km 0+000 đến Km 15+793. Dự án bắt đầu thu phí, hoàn vốn tại trạm T1 trên QL 91 ngày 2/4/2016 và trạm T2 ngày 31/12/2016. Tuy nhiên, do gặp phản ứng của tài xế, trạm T2 đã phải xả trạm, dừng thu phí từ tháng 5/2019 đến nay. Doanh nghiệp dự án đã nhiều lần phản ánh khó khăn, nguy cơ vỡ phương án tài chính do chỉ còn được thu phí tại trạm T1.

Khi những khó khăn cũ đang chờ giải quyết, một số cơ quan lưu ý, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang được nghiên cứu đầu tư, khi hoàn thành có thể có những tác động đối với dự án này .

Theo Bộ GTVT, tuyến đường bộ cao tốc đoạn Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chạy song hành với QL 91 và cách QL 91 về phía Tây khoảng 10 - 15 km. Hiện nay, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ. Hội đồng thẩm định nhà nước đang tiến hành thẩm định làm cơ sở để Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2022). Sau khi Dự án được đưa vào khai thác, QL 91 sẽ chỉ còn phục vụ xe nội vùng.

Ngân hàng Nhà nước lưu ý Bộ GTVT về tác động của việc đầu tư Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đối với các dự án khác có liên quan. Trong đó, đề nghị Bộ GTVT tiếp tục đánh giá tác động của Dự án đối với Dự án BOT QL 91 nhằm bảo đảm khả năng trả nợ cho VietinBank, xử lý nợ xấu, tránh làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án và ngân hàng tài trợ vốn cho Dự án BOT QL 91 khi đưa cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vào khai thác.

Bộ Tài chính cũng lưu ý Bộ GTVT cần đánh giá tác động của việc đầu tư cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến Dự án BOT QL 91 và giải pháp xử lý, tránh để xảy ra vướng mắc, khiếu kiện ở các giai đoạn sau.

Về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài hơn 188 km, trong khi dự án BOT QL 91 chỉ khoảng 38 km trên đoạn Cần Thơ đi Long Xuyên. Theo nghiên cứu của tư vấn, QL 91 đoạn Cần Thơ đi Long Xuyên chủ yếu phục vụ dân cư và các khu kinh tế dọc theo QL 91, trong khi tuyến cao tốc đi cách xa QL 91 hiện hữu hơn 10 km nên tác động là không đáng kể. Khó khăn của Dự án BOT QL 91 hiện nay chủ yếu do việc không đưa trạm thu phí T2 vào khai thác.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng khẳng định, số liệu tác động chính xác phải đến thời điểm đưa tuyến cao tốc vào khai thác mới có thể định lượng được. Trong bước triển khai tiếp theo, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với doanh nghiệp dự án BOT trên QL 91 để đánh giá cụ thể mức độ ảnh hưởng và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp, đảm bảo khả năng trả nợ cho ngân hàng, tránh làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà đầu tư.

Chuyên đề