Dự án BOT cầu Thái Hà: Rà soát phương án tài chính, tháo gỡ cho nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi nhà đầu tư Dự án BOT cầu Thái Hà có đơn kêu cứu khẩn cấp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xem xét lại phương án tài chính của Dự án, nghiên cứu thực hiện các quy định tại hợp đồng BOT đã ký kết để có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư; trường hợp không thể tiếp tục thực hiện thì xem xét chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn.
Càng kéo dài thời gian thu phí, Công ty CP BOT cầu Thái Hà càng lỗ. Ảnh: Phú An
Càng kéo dài thời gian thu phí, Công ty CP BOT cầu Thái Hà càng lỗ. Ảnh: Phú An

Dự án BOT cầu Thái Hà nối 2 tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được khởi công xây dựng vào tháng 10/2014 với tổng mức đầu tư 1.671 tỷ đồng. Dự án được thông xe kỹ thuật vào tháng 11/2016, hoàn thành công trình vào tháng 4/2017, đưa vào khai thác ngày 3/4/2018 và được phép thu phí hoàn vốn từ ngày 10/1/2019.

Theo ông Ngô Tiến Cương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT cầu Thái Hà, do thời điểm bắt đầu thu phí chậm và doanh thu thu phí thấp so với kế hoạch dẫn đến Dự án không có thời điểm hoàn vốn. Nhà đầu tư kiến nghị hỗ trợ 1 lần cho 100% phần vốn vay, vốn chủ sở hữu tham gia Dự án (1.793,5 tỷ đồng) từ nguồn vốn Chương trình phục hồi kinh tế bền vững và nguồn vốn dư trung hạn. Công ty CP BOT cầu Thái Hà đã báo cáo nhiều lần với Chính phủ và Bộ GTVT về việc Dự án liên tục phát sinh lỗ trong thời gian 3 năm đưa vào khai thác, vận hành. Ngày 22/10/2021, Bộ GTVT đã ký Văn bản số 11205/BGTVT-KHĐT đề xuất danh mục, cơ chế đầu tư phục vụ Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, trong đó có nội dung bố trí 9.427 tỷ đồng để xóa bỏ trạm thu phí và hoàn trả kinh phí đã đầu tư cho doanh nghiệp BOT đối với 7 dự án BOT không thu phí hoàn vốn được. Trong đó, Dự án BOT cầu Thái Hà được Bộ GTVT đề xuất mua lại với giá 1.466 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại Văn bản số 12751/BGTVT-KHĐT ngày 30/11/2021 về việc hoàn thiện phương án bố trí vốn các dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ GTVT không đưa Dự án BOT cầu Thái Hà vào danh mục các dự án được đề xuất sử dụng nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Bộ KH&ĐT, Dự án BOT cầu Thái Hà do Bộ GTVT quyết định đầu tư, lựa chọn và ký kết hợp đồng BOT với nhà đầu tư Công ty CP BOT cầu Thái Hà vào tháng 3/2015. Do đó, Bộ GTVT cần nghiên cứu, thực hiện các quy định tại hợp đồng BOT đã ký. Việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng BOT hay chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với Nhà đầu tư cần phải căn cứ vào các điều khoản quy định tại hợp đồng Dự án.

Tại Khoản 2 Điều 46 và Khoản 1 Điều 69 hợp đồng BOT cầu Thái Hà, trường hợp doanh thu thu phí không đảm bảo hoàn vốn cho Nhà đầu tư theo như tính toán tại phương án tài chính trong Hợp đồng, Bộ GTVT sẽ xem xét phối hợp cùng Nhà đầu tư tính toán lại theo hướng kéo dài thời gian thu phí, hoặc trình cơ quan chức năng có liên quan và Chính phủ hỗ trợ về cơ chế, chính sách đảm bảo việc thu hồi vốn và lợi nhuận cho Nhà đầu tư.

Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT và Nhà đầu tư căn cứ hợp đồng BOT để xem xét lại phương án tài chính của Dự án; xác định chính xác doanh thu, lưu lượng; thương thảo, điều chỉnh hợp đồng BOT cầu Thái Hà (nếu cần thiết). Trường hợp Dự án cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước để đảm bảo khả thi về mặt tài chính, đề nghị Bộ GTVT căn cứ vào Khoản 1 Điều 69 hợp đồng BOT nghiên cứu, trình Chính phủ cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, đảm bảo quyền lợi chính đáng của Nhà đầu tư. Trường hợp không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng BOT, đề nghị Bộ GTVT căn cứ các quy định tại Khoản 4 Điều 69, Điều 73, Điều 74 hợp đồng BOT xem xét việc chấm dứt Hợp đồng BOT trước thời hạn với Nhà đầu tư.

Theo tính toán của đại diện Nhà đầu tư Dự án BOT cầu Thái Hà, với tình hình lưu lượng, doanh thu thực tế từ thời điểm bắt đầu thu phí đến nay, đến thời điểm kết thúc thu phí hoàn vốn đầu tư Dự án như dự kiến trong phương án tài chính hợp đồng BOT (tháng 7/2036), dư nợ vốn vay của Dự án sẽ lên đến 6.084 tỷ đồng (vốn vay ban đầu của Dự án là 1.038 tỷ đồng). Như vậy, càng kéo dài thời gian thu phí, doanh nghiệp càng lỗ, không có nguồn tài chính để bù đắp.

Ngày 17/2/2022, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ thuộc Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT) cho biết, các đơn vị liên quan của Bộ GTVT đang rà soát và xem xét lại phương án tài chính, tìm ra các nguyên nhân ảnh hưởng đến phương án tài chính của Dự án. Trên cơ sở các quy định trong hợp đồng BOT sẽ làm rõ khó khăn, vướng mắc của Dự án, phân định rõ trách nhiệm của các bên liên quan đến phương án tài chính của Dự án, từ đó đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành giải pháp tháo gỡ, xử lý triệt để.

Chuyên đề