Vì sao nhà đầu tư sa lầy tại Dự án BOT cầu Thái Hà?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hàng loạt dự án BOT giao thông đang rơi vào tình trạng thu không đủ chi, nguy cơ vỡ phương án tài chính, dư nợ ngân hàng lên đến hàng nghìn tỷ đồng và không xác định được thời điểm hoàn vốn đầu tư… Dự án BOT cầu Thái Hà với tổng mức đầu tư ban đầu 1.671 tỷ đồng là một ví dụ khá điển hình cho những khó khăn của nhiều nhà đầu tư BOT giao thông.
Tính từ ngày được đưa vào khai thác tới nay, Dự án BOT cầu Thái Hà đã phát sinh lỗ 346,5 tỷ đồng, doanh thu thu phí chỉ đáp ứng được từ 10 - 12% so với phương án tài chính được phê duyệt. Ảnh: Phú An
Tính từ ngày được đưa vào khai thác tới nay, Dự án BOT cầu Thái Hà đã phát sinh lỗ 346,5 tỷ đồng, doanh thu thu phí chỉ đáp ứng được từ 10 - 12% so với phương án tài chính được phê duyệt. Ảnh: Phú An

Dự án BOT cầu Thái Hà được khởi công xây dựng vào tháng 10/2014, đưa vào khai thác ngày 3/4/2018 và được phép thu phí hoàn vốn từ ngày 10/1/2019.

Ông Ngô Tiến Cương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT cầu Thái Hà cho biết, tính từ ngày đưa vào khai thác tới nay, Dự án đã phát sinh lỗ 346,5 tỷ đồng, doanh thu thu phí chỉ đáp ứng được từ 10 - 12% so với phương án tài chính được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Lãi vay phát sinh mà Dự án phải trả cho ngân hàng mỗi tháng là 8,74 tỷ đồng, trong khi doanh thu thu phí chỉ đạt 2,2 tỷ đồng/tháng. Mỗi tháng, doanh nghiệp phải bỏ 0,9 tỷ đồng để tổ chức vận hành, duy tu bảo trì Dự án. Theo tình hình doanh thu thực tế cộng với tăng trưởng lưu lượng xe như hơn 3 năm qua thì Dự án BOT Thái Hà không thể hoàn vốn. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, đến thời điểm kết thúc thu phí hoàn vốn như dự kiến (tháng 7/2036), dư nợ vốn vay của Dự án lên đến 6.084 tỷ đồng, so với vốn vay ban đầu của Dự án 1.038 tỷ đồng. Càng kéo dài thời gian thu phí thì doanh nghiệp càng lỗ, không có nguồn tài chính để bù đắp. Theo phương án tài chính hiện nay, nếu điều chỉnh theo hướng kéo dài thời gian thu phí thì thời gian hợp đồng sẽ kéo dài quá quy định tại Điều 43 của Luật Đầu tư 2014 (không quá 50 năm đối với dự án ngoài khu kinh tế).

Theo nhà đầu tư BOT cầu Thái Hà, hiện nay, nhà đầu tư không còn khả năng bổ sung vốn chủ sở hữu vào vốn điều lệ của doanh nghiệp dự án để phục vụ trả gốc và lãi ngân hàng; không có kinh phí để thực hiện công tác bảo trì, phát sinh nợ xấu… Nhà đầu tư đề nghị Chính phủ mua lại Dự án bằng nguồn vốn Chương trình phục hồi kinh tế bền vững, vốn dư trung hạn bằng phương án hỗ trợ một lần cho toàn bộ 100% phần vốn vay, vốn chủ sở hữu thực tế đã tham gia Dự án đến nay (1.793 tỷ đồng).

Theo báo cáo tài chính được Công ty CP BOT cầu Thái Hà công bố, doanh nghiệp gần như không phát sinh doanh thu trong năm 2019, 2020 và chi phí lãi vay khiến Công ty lỗ lần lượt 169,5 tỷ và 96,4 tỷ đồng. Kết thúc năm 2021, Công ty ghi nhận doanh thu cung cấp dịch vụ 114,8 tỷ đồng nhưng vẫn chưa thể bù đắp các khoản chi phí, đặc biệt là khoản lãi vay lên tới 79,2 tỷ đồng, khiến Công ty lỗ 55,8 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản Công ty đạt 1.531 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm tới 77,5%, tương đương 1.187,5 tỷ đồng.

Theo chuyên gia về giao thông, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến vỡ phương án tài chính Dự án BOT cầu Thái Hà. Thứ nhất là do vị trí đặt trạm thu phí không phù hợp. Thứ hai, tư vấn thiết kế, lập dự án đầu tư đã dự báo không chính xác lưu lượng xe nên có sự sai khác rất lớn trong phương án tài chính so với thực tiễn.

Chuyên đề