Dow Jones giảm mạnh chưa từng có trong lịch sử

Sau phiên giảm điểm ngày hôm qua, thành quả tăng điểm mà chỉ số S&P 500 và Dow Jones có được từ đầu năm 2018 đến nay bị xóa sạch...
Có thời điểm Dow Jones giảm tới 1.600 điểm - Ảnh: Bloomberg.
Có thời điểm Dow Jones giảm tới 1.600 điểm - Ảnh: Bloomberg.

Phiên giao dịch ngày thứ Hai trên thị trường New York, hàng loạt cổ phiếu đồng loạt bị bán mạnh.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones có ngày giảm điểm sâu nhất trong lịch sử chứng khoán Mỹ. Thị trường đã có lúc bị bán tháo đến mức hoảng loạn. Ở mức thấp nhất, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm đến 1.600 điểm - mức giảm tồi tệ nhất trong ngày, còn chỉ số S&P 500 có lúc mất đến 5%.

Chỉ số CBOE, hay còn gọi là chỉ số đo nỗi sợ của nhà đầu tư chứng khoán, tăng 104% lên mức 35,02 điểm - mức cao nhất tính từ tháng 8/2015, theo tính toán của FactSet.

Chốt phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1.175,21 điểm tương đương 4,60% xuống 24.345,75 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 113,19 điểm tương đương 4,10% xuống 2.648,94 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 273,42 điểm tương đương 3,78% xuống 6.967,53 điểm.

Tính đến cuối phiên hôm qua, theo số liệu của MarketWatch, chỉ số S&P 500 đã có 406 phiên không giảm giá ở mức sâu đến 5% như vậy, đánh dấu chuỗi thời gian không giảm giá sâu dài nhất trong 20 năm.

Cũng sau phiên giảm điểm ngày hôm qua, thành quả tăng điểm mà chỉ số S&P 500 và Dow Jones có được từ đầu năm 2018 đến nay bị xóa sạch.

Trong phiên ngày hôm qua, cổ phiếu ngành tài chính giảm sâu nhất, mức giảm lên đến 5%, sau đó đến cổ phiếu nhóm ngành y tế, công nghiệp, năng lượng, viễn thông và công nghệ thông tin. Cổ phiếu của tất cả các nhóm ngành trên đồng loạt giảm hơn 4%.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã bắt đầu giảm điểm sâu từ phiên thứ Sáu tuần trước và chốt lại tuần giảm điểm sâu nhất trong hai năm đối với cả chỉ số S&P 500 và chỉ số công nghiệp Dow Jones.

Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ bán mạnh cổ phiếu sau khi báo cáo việc làm tháng vừa qua phát đi tín hiệu tích cực, vì vậy giới đầu tư nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất cơ bản đồng USD sớm hơn và cao hơn so với kỳ vọng trước đây.

Cùng lúc đó, việc lợi suất trái phiếu tăng cao đang khiến dòng tiền rút ra khỏi thị trường chứng khoán. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ thời hạn 10 năm trong phiên gần nhất đã có lúc tăng lên mức 2,883% và sau đó giảm xuống mức 2,72%.

Khi thị trường chứng khoán giảm sâu trong phiên ngày thứ Hai, giới đầu tư không khỏi dõi theo phản ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo Reuters, khi đó, ông Donald Trump đang có bài phát biểu tại Ohio, tuy nhiên ông không hề nhắc đến thị trường chứng khoán khi thị trường giảm điểm dù trước đó ông đã nhiều lần nhắc đến thị trường khi nó đang tăng điểm nhanh.

Khi trả lời giới truyền thông về việc thị trường giảm điểm, phát ngôn viên Nhà Trắng, ông Rai Shah, nói: "Thị trường biến động trong ngắn hạn là điều bình thường. Tất cả chúng ta đều biết đến điều đó. Tuy nhiên về căn bản, các yếu tố của nền kinh tế vẫn rất vững vàng và đang đi đúng hướng."

Trong bài phát biểu toàn liên bang vào tuần trước, Tổng thống Donald Trump từng nhắc đến thị trường chứng khoán Mỹ như sau: "Thị trường chứng khoán Mỹ đã không ngừng lập kỷ lục, giá trị vốn hóa tăng thêm 8 nghìn tỷ USD và thậm chí còn hơn nữa chỉ trong một thời gian ngắn."

Và trong hôm qua, ông đã không nhắc lời nào khi thị trường giảm điểm sâu.

Chuyên đề