Dòng vốn đầu tư đảo chiều, Việt Nam vẫn giữ sức hấp dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để kiềm chế lạm phát, nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất rất mạnh. Nhiều ý kiến lo ngại động thái này có thể dẫn đến dòng vốn đầu tư toàn cầu đảo chiều, rút khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, từ góc nhìn của nhiều chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN), Việt Nam vẫn là địa điểm đầu tư an toàn, hấp dẫn và tác động đảo chiều dòng vốn là không lớn.
Một yếu tố giúp Việt Nam không chịu tác động quá lớn từ xu hướng dịch chuyển vốn là dòng FDI vào Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia châu Á. Ảnh: Lê Tiên
Một yếu tố giúp Việt Nam không chịu tác động quá lớn từ xu hướng dịch chuyển vốn là dòng FDI vào Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia châu Á. Ảnh: Lê Tiên

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, nếu kinh tế thế giới suy thoái, cầu sụt giảm, có thể ảnh hưởng thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, nếu không duy trì được chênh lệch tỷ giá thì sản xuất, đặc biệt là sản xuất phục vụ xuất khẩu sẽ chịu áp lực 2 lần tăng chi phí đầu vào, trong khi quá trình suy thoái toàn cầu dẫn đến khó tăng giá xuất khẩu để bù đắp chi phí, cũng có thể làm thu hẹp sản xuất, thu hẹp đầu tư của khối ĐTNN vào Việt Nam. Ngoài ra, các nước ASEAN có sản phẩm xuất khẩu chủ lực tương đồng và mất giá đồng tiền mạnh hơn Việt Nam nhiều, có thể tăng lợi thế thu hút ĐTNN nếu chi phí đầu vào của Việt Nam tăng trong thời gian tới. Những điều này sẽ khiến nhà đầu tư cân nhắc khi quyết định đầu tư mới.

Tuy nhiên, theo ông Việt, trong bối cảnh này, khi ổn định được kinh tế vĩ mô và vẫn giữ tăng trưởng tốt, cán cân bảo đảm, nếu môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải cách tốt sẽ tạo hấp lực trở lại với cả dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lẫn dòng vốn gián tiếp vào Việt Nam. Một yếu tố nữa giúp Việt Nam không chịu tác động quá lớn từ xu hướng dịch chuyển vốn là dòng FDI vào Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia châu Á. Việt Nam là một trong các quốc gia hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, việc các nước tăng lãi suất có thể ảnh hưởng dòng vốn thương mại toàn cầu, nhưng không ảnh hưởng quá nhiều đến thu hút ĐTNN của Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, qua khảo sát đánh giá, các nhà đầu tư vẫn rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung…, các nhà ĐTNN cần an toàn hóa dòng vốn và Việt Nam được coi là điểm đến an toàn, phù hợp với xu hướng Trung Quốc + 1. Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá cao về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thực tế, trong 8 tháng đầu năm 2022, dù vốn đăng ký cấp mới có sụt giảm, nhưng vốn đầu tư thực hiện tăng cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua và đây mới là con số mà các nước dùng để đánh giá hiệu quả ĐTNN.

Dù vậy, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng chỉ ra sự cạnh tranh trong thu hút ĐTNN ngày càng lớn, không chỉ là giữa các nước đang phát triển, mà cả với các nước phát triển, khi các nước đều dùng vốn ĐTNN như đòn bẩy để phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch. Các nước phát triển ngoài thu hút trở lại các doanh nghiệp của họ, cũng có chính sách thu hút ĐTNN. Vấn đề khó của Việt Nam hiện nay là hạ tầng kết nối liên vùng, quỹ đất sẵn sàng, nguồn nhân lực có sẵn và chất lượng cao. Vì thế, ngoài chính sách kết nối, thu hút đầu tư, Việt Nam cần tiếp tục có những cải thiện để giúp nhà ĐTNN triển khai nhanh dự án...

Theo một số dữ liệu tổng hợp, những lần tăng lãi suất của FED trong lịch sử đa số không có tác động lớn đến dòng vốn FDI vào Việt Nam. Ở một số lần điều chỉnh, vốn FDI thực hiện thậm chí có xu hướng tăng.

Thực tế, trong thời gian qua, các nhà ĐTNN qua nhiều kênh đối thoại vẫn thể hiện niềm tin rất lớn với những kế hoạch đầu tư mới, mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn công nghệ lớn. Đại diện nhiều tổ chức quốc tế đánh giá rất tích cực về tiềm năng thu hút đầu tư của Việt Nam. Theo ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nền kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định trong khi các nước lân cận đang gặp khó khăn. Đặc biệt, sự phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng trong những năm qua rất đáng kinh ngạc và với cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) về giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành nước đứng đầu trong hấp dẫn, thu hút ĐTNN.

Chuyên đề