Tuy bị siết vốn, nhưng các chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản vẫn sẽ sôi động, dòng tiền sẽ tiếp tục được rót vào và nhiều triển vọng đang mở ra trong năm 2022. Ảnh: Ngô Bảo Tín |
Thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và khu vực TP.HCM nói riêng trong 5 năm qua đã phát triển mạnh mẽ. Luật Kinh doanh bất động sản cũng cởi mở hơn khi người nước ngoài được phép mua nhà ở tại Việt Nam. Thị trường ghi nhận sự phát triển của các loại hình mới như condotel, officetel... ngày một nhiều.
Thời gian qua, tuy chịu ảnh hưởng đáng kể từ dịch Covid-19 và các đợt giãn cách toàn xã hội nhưng những khó khăn trong ngắn hạn của thị trường cũng đã vượt qua. Hình thức bán hàng trực tuyến nhanh chóng được ứng dụng trên nhiều nền tảng và thị trường cũng bắt đầu xuất hiện mô hình đầu tư bất động sản chia nhỏ qua công nghệ.
Theo ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Vietnam, trên nền tảng của các tiền đề hiện hữu, năm 2022 chính là thời điểm phù hợp để định vị lại thị trường bất động sản, đưa thị trường phát triển tương xứng với tầm vóc quốc gia và bắt kịp xu hướng các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia, Singapore…
Để làm được điều đó, cần điều chỉnh các tiêu chí giá mới trong phân cấp loại hình căn hộ sao cho phù hợp với sự vận động của thị trường. Cụ thể, khung giá phù hợp để xác định căn hộ hạng C là dưới 35 triệu đồng/m2, căn hộ hạng B từ trên 35 - 60 triệu đồng/m2, căn hộ hạng A từ trên 60 - 100 triệu đồng/m2 và hạng sang từ trên 100 triệu đồng/m2.
Mặt khác, hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản nhà ở phải được bổ sung và hoàn thiện hơn nhằm bắt kịp diễn biến và nhu cầu thị trường, nhất là sự phát triển của các loại hình bất động sản mới. Quy trình pháp lý cũng cần sớm đơn giản hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc thủ tục, sớm hoàn thiện pháp lý dự án. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, gia tăng nguồn cung và góp phần ổn định mặt bằng giá trên thị trường.
Để đảm bảo an toàn hoạt động và hạn chế rủi ro, cuối năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được giao thực hiện trong năm 2021. Đây là một trong những biện pháp để siết chặt dòng vốn tín dụng đổ vào bất động sản. Việc kiểm soát này là cần thiết nhằm giảm thiểu nguy cơ bong bóng bất động sản, giảm thiểu nợ xấu, ngăn chặn đầu cơ.
Tuy bị siết vốn, nhưng các chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản vẫn sẽ sôi động, dòng tiền sẽ tiếp tục được rót vào và nhiều triển vọng đang mở ra trong năm 2022.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, bất động sản luôn là thị trường có sức hút, được nhiều nhà đầu tư quan tâm, giá bất động sản vẫn tiếp tục tăng và nhiều dòng tiền vẫn đổ về đây như một kênh trú ẩn an toàn.
Năm 2022, Việt Nam sẽ bắt đầu chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có một số gói tài chính liên quan đến bất động sản nhà ở. Vì vậy, các chủ đầu tư bất động sản vẫn luôn kỳ vọng dòng tiền vẫn tiếp tục chảy vào cho vay mua nhà, bởi vì đây vẫn là chính sách được Nhà nước khuyến khích và cũng là nhu cầu thực tiễn.
Sự sôi động của thị trường bất động sản góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế và đô thị. Cho nên, theo các chuyên gia, phía cơ quan Nhà nước cũng cần sớm ban hành các chương trình nhà ở quốc gia mang tính lâu dài như: nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân người lao động,… và phải gắn liền với vấn đề tài chính cho người mua nhà lần đầu.