Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP giai đoạn 2016 - 2020 của Đồng Nai rất đa dạng về loại hợp đồng, từ BT đến BOT, BLT, BOO… Ảnh: Thanh Hải |
So với các tỉnh, thành khu vực phía Nam, Đồng Nai được đánh giá là địa phương nhanh nhạy, sớm triển khai các dự án PPP, đồng thời có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Địa phương nhanh nhạy với PPP
Theo quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai, địa phương này đã phân công trách nhiệm từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan đầu mối quản lý hoạt động đối với dự án PPP. Đặc biệt, ngoài quy trình chung thực hiện dự án PPP theo Điều 9 Nghị định 63/2018/NĐ-CP, Đồng Nai xác định rõ thêm một số vấn đề cụ thể liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư dự án; thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo pháp luật về đầu tư để trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Từ năm 2017, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị đầu tư theo hình thức PPP và lựa chọn nhà đầu tư với sự tham gia của hơn 200 cán bộ, công chức, viên chức và đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh.
Theo báo cáo của UBND TP. Biên Hòa, trên địa bàn Thành phố đang có 8 dự án trọng điểm đầu tư theo hình thức PPP, mà cụ thể là theo loại hợp đồng BT, gồm: Dự án Chống ùn tắc giao thông khu vực phường Trảng Dài - Tân Hiệp - Tân Phong; Dự án Hương lộ 2 giai đoạn 1 thuộc xã An Hòa; Dự án Tuyến đường nối từ đường Bùi Hữu Nghĩa đến Quốc lộ 1K; Dự án Đường trục trung tâm TP. Biên Hòa...
Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP giai đoạn 2016 - 2020 của Đồng Nai rất đa dạng về loại hợp đồng, từ BT đến BOT, BLT, BOO…
Gắn trách nhiệm đến từng cá nhân phụ trách
Việc UBND tỉnh Đồng Nai sớm phân công nhiệm vụ cụ thể gắn với từng sở, ngành, địa phương khi triển khai dự án PPP có nguyên nhân trực tiếp từ những khó khăn, vướng mắc của địa phương đối với lĩnh vực này. Theo UBND TP. Biên Hòa, hầu hết các dự án PPP đều gặp nhiều trở ngại và cần sự vào cuộc đồng bộ để giải quyết dứt điểm. Chỉ riêng vướng mắc về khâu thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư đã xuất hiện ở gần như tất cả các dự án.
UBND tỉnh Đồng Nai đã thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, việc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm theo hình thức PPP vẫn chưa đạt yêu cầu. Một trong những nguyên nhân là thiếu sự phối hợp, phân cấp cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị. Chính Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh cho rằng, thiếu sự phối hợp, trao đổi, xử lý ngay từ cấp dưới nên mất nhiều thời gian cho khâu lập, trình văn bản, xin ý kiến… liên quan đến các sở, ngành.
Quyết định triển khai nhiệm vụ của các sở, ngành khi triển khai dự án PPP là nỗ lực của Đồng Nai nhằm nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Theo đó, ít nhất 2 tuần, Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai phải nhận được các báo cáo về tiến độ triển khai các dự án PPP để từ đó bàn phương án tháo gỡ.
Theo quyết định của tỉnh Đồng Nai, trong thời gian tới, tại từng dự án PPP, các sở, ngành sẽ phải phân công người phụ trách cụ thể, trực tiếp chịu trách nhiệm, các phòng ban chuyên môn phải có danh sách để phối hợp, triển khai cũng như để quy trách nhiệm rõ ràng nếu để xảy ra sai sót. Đây được xem là động thái mạnh mẽ của tỉnh này để sớm đưa các dự án PPP thành “đầu tàu” trong việc cải thiện kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư.