Đầu tư theo hình thức PPP đã giúp TP.HCM giải quyết bài toán ngân sách cho phát triển hạ tầng. Ảnh: Lê Tiên |
Dự án BT có tác động lan tỏa
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM, giai đoạn 2011 - 2015, toàn Thành phố có 22 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng giá trị 69.869 tỷ đồng. Trong đó, có 94 dự án đầu tư theo loại hợp đồng BT, chiếm 61% tổng số dự án PPP.
Quá trình đánh giá các dự án BT tại TP.HCM được chia thành 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2004 - 2015 (trước khi có Nghị định 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP) và giai đoạn 2015 - 2017 (sau khi Nghị định 15 có hiệu lực). Tổng vốn đầu tư cho các dự án trong cả hai giai đoạn này là hơn 38.000 tỷ đồng. Các dự án BT tại TP.HCM được triển khai đa dạng trên nhiều lĩnh vực như hạ tầng giao thông, môi trường, văn hóa...
Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, các dự án PPP, trong đó có các dự án BT đã giúp TP.HCM giải quyết bài toán ngân sách cho phát triển hạ tầng, có tác động lan tỏa, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Chia sẻ về những hạn chế trong triển khai dự án BT, ông Sử Ngọc Anh cho biết, hiện nay, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại các dự án còn gặp nhiều khó khăn, kéo dài, dẫn đến việc bàn giao mặt bằng chậm trễ; các thủ tục đầu tư phải qua nhiều bước; việc huy động nguồn lực từ đất còn nhiều hạn chế, kể cả quỹ đất sạch để đấu giá, thu tiền sử dụng đất cho ngân sách.
Ngoài ra, mặc dù Nghị định 15 quy định nhiều loại hợp đồng (BOT, BT, BTL, BLT, BOO...), nhưng nhà đầu tư, các sở, ngành quản lý vẫn có xu hướng kêu gọi đầu tư theo loại hợp đồng BT, trong khi quỹ đất phục vụ mục đích xã hội hoá không còn nhiều.
Xây dựng quy định mới về đầu tư dự án BT
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố dự kiến huy động hơn 1,8 triệu tỷ đồng cho đầu tư phát triển, hoàn thành các chương trình, mục tiêu lớn đã đề ra như xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, cải tạo môi trường, chỉnh trang đô thị và giảm ngập. Với nguồn vốn lớn này, việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân nhằm chia sẻ gánh nặng cho ngân sách nhà nước là tất yếu.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định tầm quan trọng của việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhằm gia tăng tính minh bạch trong triển khai các dự án BT. “TP.HCM xác định đấu thầu là cách thức hàng đầu để chọn nhà đầu tư trao dự án. Thời gian qua, Thành phố tạm thời không tiến hành đàm phán các dự án BT là để hoàn thiện quy định về triển khai các dự án thực hiện theo loại hợp đồng này, vì mục tiêu tạo thuận lợi cho nhà đầu tư”, ông Phong nhấn mạnh.
Ủng hộ quan điểm này, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du cho rằng, những bất cập tại các dự án BT thời gian qua là do chỉ định thầu quá nhiều, dẫn đến không thể minh định được hiệu quả cụ thể của từng dự án. Cần hạn chế tối đa đổi đất lấy hạ tầng, thay vào đó cần lấy tiền mặt đổi hạ tầng thông qua việc bán đấu giá quyền sử dụng đất, phát hành trái phiếu công trình. Việc thực hiện BT chỉ nên áp dụng khi có quỹ đất sạch và quỹ đất này phải được bán đấu giá độc lập, tiền thu được sẽ thanh toán cho tiến độ đầu tư dự án.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị TP.HCM cần thực hiện đấu giá công khai, đấu thầu rộng rãi trong nước, hoặc quốc tế đối với các dự án đầu tư theo loại hợp đồng BT, BOT.
Theo Sở KH&ĐT TP.HCM, hiện Sở đang xây dựng Quy định về quản lý đầu tư dự án BT theo hướng tăng cường phân cấp, công khai, minh bạch; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong triển khai dự án; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước - người dân - doanh nghiệp. Quy định này sẽ giúp gỡ vướng cho nhiều dự án BT mà Thành phố đang kêu gọi đầu tư. “Việc tạm dừng đàm phán các hợp đồng BT sẽ được khơi thông khi quy định này được UBND TP.HCM ban hành. Đây sẽ là động lực rất lớn để Thành phố đồng hành cùng các nhà đầu tư, mở ra giai đoạn mới cho các dự án PPP tại TP.HCM”, đại diện Sở KH&ĐT cam kết.