Ảnh Internet |
Tại Hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sẽ chia sẻ về việc huy động, điều phối nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL trước tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.
Dồn lực cho Đồng bằng sông Cửu Long
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó ĐBSCL là một trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Trước thực tế tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu tại ĐBSCL hiện nay, Hội nghị lần này được coi như một “Hội nghị Diên Hồng” nhằm xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn để phát triển bền vững ĐBSCL.
Từ những yêu cầu cấp bách đang đặt ra, trước thềm Hội nghị, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, một trong 4 mục tiêu quan trọng của Hội nghị cần đạt được là thu hút được tối đa các nguồn lực, từ vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn tín dụng, đến nguồn vốn tư nhân… nhằm phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Trong đó, trước hết phải sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực từ các chương trình, dự án hiện đang và chuẩn bị triển khai, kể cả các hiệp định đã ký với Chính phủ các nước và các định chế tài chính nước ngoài.
Thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã rà soát, bố trí, phân bổ các nguồn lực cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu tại các địa phương trong vùng ĐBSCL, nhất là các công trình trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và các dự án cấp bách. Đặc biệt, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc dành nguồn lực để phát triển bền vững vựa lúa của cả nước trước tác động của biến đổi khí hậu, với nguyên tắc ưu tiên bố trí vốn cho các dự án chống ngập mặn, sạt lở sông biển ở ĐBSCL, Bộ KH&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét xây dựng một kế hoạch tổng thể phát triển lâu dài, bền vững cho vùng ĐBSCL.
Nỗ lực tìm nguồn tài trợ nước ngoài
Không chỉ dành nguồn lực từ ngân sách, việc tìm nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi dành cho các dự án gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu cũng luôn được Bộ KH&ĐT quan tâm. Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có buổi làm việc với Tổng giám đốc Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) Frank Rijsberman. Tại buổi làm việc này, người đứng đầu ngành KH&ĐT đã đề nghị GGGI hỗ trợ Việt Nam tiếp tục mở rộng hoạt động của GGGI tại các địa phương, trong đó ưu tiên là khu vực ĐBSCL.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có buổi làm việc với Giám đốc điều hành Quỹ Khí hậu xanh (GCF) Howard Bamsey. Đánh giá cao sự hỗ trợ của GCF với việc phê duyệt khoản tài trợ trị giá 29,5 triệu USD cho Việt Nam thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho Dự án “Tăng cường năng lực chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dân cư ven biển tại Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh, Dự án do GCF tài trợ cần được triển khai tốt để trở thành một mô hình có thể nhân rộng và thu hút các nguồn đầu tư tư nhân.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị GCF tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực như: các dự án ít phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu; dự án cải thiện hiệu quả năng lượng cho các ngành sử dụng nhiều năng lượng; và đặc biệt là hỗ trợ các nỗ lực thích ứng quy mô lớn tại các vùng kinh tế trọng điểm như vùng ĐBSCL. Theo Bộ trưởng, những hỗ trợ của GCF rất có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang cố gắng tìm mọi nguồn lực, cơ chế tài chính phù hợp hỗ trợ phát triển bền vững các khu vực đang chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu.
Đại diện Bộ KH&ĐT nhận định, kết quả của các cuộc làm việc nói trên sẽ có tác động rất tích cực đến việc ra quyết sách của Bộ trong thời gian tới về các vấn đề ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững vùng ĐBSCL và các khu vực khác. Bộ KH&ĐT cũng đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các tổ chức được GCF công nhận đang hoạt động tại Việt Nam (9 tổ chức) để xây dựng Danh mục dự án ưu tiên với tổng số vốn lên tới 1,5 tỷ USD, trong đó có đề xuất các hoạt động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu nhằm thu hút nguồn hỗ trợ từ GCF.
Trong vai trò là cơ quan thẩm quyền quốc gia về Quỹ Khí hậu xanh và các vấn đề liên quan được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ KH&ĐT đang không ngừng tìm kiếm mọi nguồn lực phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Nhiệm vụ này ngày càng bức thiết trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến mục tiêu chuyển từ nền kinh tế “nâu” sang “xanh” với việc đảm bảo 3 yếu tố: tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.