Trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, để vừa nâng cao năng suất lại không tuột mất cơ hội từ hội nhập |
Ngược lại, nếu chúng ta không khai thác tốt cơ hội thì FTA sẽ là thách thức phải đối mặt. Làm thế nào để tận dụng được cơ hội là bài toán đang được đặt ra hết sức cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
Không đơn thuần là lợi ích kinh tế
Sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập quốc tế, trong đó có việc ký kết tham gia các FTA thế hệ mới, kinh tế Việt Nam đã từng bước được mở rộng và hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế. Các chuyên gia kinh tế nhận xét rằng, nếu thời điểm ban đầu của quá trình đổi mới Việt Nam còn bị cách ly với dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế thì đến nay nước ta đã trở thành một địa chỉ hấp dẫn dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và có một nền kinh tế xuất khẩu không ngừng phát triển.
“Rõ ràng là chúng ta đã nhìn thấy cơ hội cho phát triển đất nước từ việc tham gia các FTA mới”, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khẳng định và nhấn mạnh rằng, việc đàm phán các FTA không chỉ nhằm mục tiêu mở cửa thị trường mà còn là bước đi khẳng định cam kết hội nhập của Việt Nam với nền kinh tế khu vực và thế giới. Đây cũng là bước đi quan trọng tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Phân tích từ các tổ chức kinh tế trong nước và quốc tế cho thấy, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ quá trình hội nhập, tiếp tục thu hút đầu tư và tăng trưởng xuất khẩu nhờ việc tham gia vào các FTA mới, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Ngày 8/3/2018 (theo giờ Santiago), ở Chile, một sự kiện kinh tế được mong chờ rất lâu sau khi TPP bị đình đốn cũng đã diễn ra. 11 nước thành viên CPTPP, trong đó có Việt Nam đã cùng đặt bút ký kết CPTPP. Hiệp định được ký kết là kết quả của những nỗ lực vượt qua chặng đường đầy vất vả nhưng cũng đầy hy vọng với tất cả thành viên của CPTPP. Với Việt Nam, CPTPP còn đánh dấu thêm một bước tiến quan trọng trong quyết tâm hội nhập để phát triển bền vững và thịnh vượng.
Xét lợi ích khi tham gia CPTPP, nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, dù không có Mỹ nhưng về tổng thể CPTPP vẫn có lợi cho Việt Nam so với trường hợp Việt Nam không tham gia. Cụ thể, do tác động của cắt giảm thuế quan, CPTPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,32%. Đặc biệt, nếu tăng năng suất lao động của nền kinh tế thêm khoảng 1% thì đến năm 2036, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 3,9% và kim ngạch xuất khẩu có khả năng tăng thêm 8,4%... Dệt may, da giầy là một trong những ngành kinh tế được xem là hưởng lợi nhiều nhất trong CPTPP. Bên cạnh đó, Hiệp định cũng sẽ mang lại cơ hội cho sản phẩm ngành nông nghiệp, trong đó có lúa gạo, trái cây, thủy sản. Nhưng giới kinh tế cho rằng, CPTPP còn nhiều hơn cả một hiệp định, bởi ngay cả với Nhật Bản, Australia… nước mà Việt Nam đã có FTA, CPTPP cũng là cơ hội để nâng cấp các FTA đã có với mức độ mở cửa thị trường hứa hẹn trong hiệp định này cao hơn nhiều so với FTA trước. Bên cạnh đó còn có cơ hội hài hòa hóa quy tắc xuất xứ, mở rộng phạm vi nội khối để dễ dàng tận dụng các ưu đãi thuế quan trong CPTPP, điều mà các FTA riêng rẽ không làm được.
Quan trọng hơn, với các FTA thế hệ mới, nhất là CPTPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, đây chính là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy cải cách trong nước, cải thiện môi trường kinh doanh theo những tiêu chuẩn mới của thế giới. Lý do là, các FTA thế hệ mới này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc chặt chẽ. Từ yêu cầu này, môi trường kinh doanh sẽ thuận lợi hơn, cạnh tranh hơn; hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước sẽ minh bạch hơn…
Nắm bắt cơ hội như thế nào?
Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Việt Úc nhấn mạnh, gia nhập những FTA thế hệ mới như CPTPP, hàng rào thuế quan hạ xuống nhưng hàng rào kỹ thuật được dựng lên. Do đó, các yêu cầu về sản phẩm sẽ khắt khe hơn, nhất là về chất lượng.
Khuyến cáo của các tổ chức tài chính quốc tế chỉ rõ, các FTA thế hệ mới cũng sẽ đi kèm một số thách thức đáng kể, và nếu không thực hiện các cam kết một cách thận trọng thì các cơ hội sẽ bị bỏ lỡ. Vấn đề cốt lõi trong khai thác các hiệp định là khâu thực hiện. Tâm điểm của các FTA thế hệ mới chính là các chính sách thương mại mới đòi hỏi Việt Nam phải rất nỗ lực để thực hiện đầy đủ. Muốn vậy, Việt Nam cần tập trung nhiều công sức để đánh giá, sửa đổi, điều chỉnh văn bản chính sách pháp luật để đáp ứng sự phát triển.
Theo ông Nguyễn Mại, về vấn đề Việt Nam có nắm được cơ hội từ các FTA thế hệ mới hay không thì yếu tố quan trọng nhất là nội lực của nền kinh tế. Nội lực của chúng ta hiện nay then chốt nhất vẫn là hai cấp. Một là cấp nhà nước (bao gồm từ Trung ương tới địa phương) phải thay đổi với cách thức điều hành mới, đội ngũ công chức có năng lực cao hơn, nếu không sẽ khó đem lại kết quả tốt, cho dù Thủ tướng có chỉ đạo, chỉ thị bao nhiêu mà vẫn “trên nóng dưới lạnh”, “nóng, ấm không đều”… thì rất khó cải thiện tình hình. Thứ hai là phải tạo ra môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp để cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển từ siêu nhỏ lên nhỏ, từ nhỏ lên vừa, vừa thì lớn hơn. “Nếu đến năm 2020 chúng ta có được 500 doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Vingroup, Sungroup… và có vài trăm nghìn doanh nghiệp vừa, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì tốt biết bao nhiêu”, ông Nguyễn Mại hy vọng và cho rằng, đây mới là điều đáng bàn để chúng ta điều chỉnh cơ chế chính sách sao cho phù hợp, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước lớn mạnh.
Nhìn hội nhập dưới tác động như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, người lao động Việt Nam chăm chỉ, khéo tay nhưng khi đưa công nghệ vào, những người lao động đó chưa chắc đã đủ khả năng sử dụng máy móc thiết bị. Do đó, trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp cần coi trọng đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, để chúng ta vừa nâng cao năng suất lại không tuột mất cơ hội từ hội nhập.