Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh mới đang mang lại "quả ngọt"

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) và phát triển bền vững tổ chức ngày 5/6, các ý kiến đánh giá, những thay đổi trong chính sách về ĐMST trong bối cảnh CĐS  và phát triển bền vững đã mang tới “quả ngọt”.
Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững tổ chức ngày 5/6/2024. Ảnh: Nguyễn Thủy
Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững tổ chức ngày 5/6/2024. Ảnh: Nguyễn Thủy

Bà Đỗ Thị Phương Lan - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho hay, năm 2023, Chỉ số ĐMST toàn cầu GII (Global Innovation Index) của Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia và nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Theo Báo cáo GII 2023, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào ĐMST so với năm 2022, tăng 2 bậc từ vị trí 59 lên 57. Trong khi đó, thứ hạng đầu ra ĐMST tăng 1 bậc so với năm 2022, từ vị trí 41 lên 40.

Ngoài ra, Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia có kết quả ĐMST vượt trội hơn so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á.

Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), năm 2023, có 529 triệu USD được rót vào hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam. Số lượng thương vụ duy trì tương đối ổn định với 122 thương vụ (giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022 do tiếp tục chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế toàn cầu có nhiều biến động).

Ông Thịnh cho hay, những năm gần đây, lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện các thương vụ M&A (mua bán - sáp nhập). Ba loại hình bên mua tham gia chủ yếu vào thị trường Việt Nam, bao gồm: công ty quy mô khu vực, công ty công nghệ trong nước và tập đoàn trong nước. Mỗi loại hình đều có chiến lược riêng khi đầu tư thông qua thông qua hình thức M&A.

“Khi thị trường ngày một trưởng thành, các công ty và tập đoàn trong nước ngày càng đóng vai trò chủ động hơn trong thị trường M&A, tích cực tìm kiếm những thương vụ chiến lược giúp họ nâng cao năng lực công nghệ và mở rộng thị trường” ông Thịnh nhận xét.

Mặc dù vậy, các ý kiến tại Diễn đàn cũng chỉ ra, dù Việt Nam đã nỗ lực xây dựng khung pháp lý khuyến khích ĐMST, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, song vẫn cần có sự hoàn thiện trong thời gian tới.

Thực tế cũng đang cho thấy, các chính sách hỗ trợ ĐMST còn dàn trải, chưa tập trung sâu vào từng ngành, nghề, lĩnh vực; còn hạn chế trong việc xây dựng tổ chức ươm tạo, huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp; thiếu kết nối giữa các viện, trường đại học với ý tưởng khởi nghiệp. Khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư hiện vẫn gặp không ít khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, khi đưa các sản phẩm khoa học và công nghệ ra thị trường.

Phân tích sâu bảng xếp hạng Chỉ số ĐMST toàn cầu GII từ năm 2017 - 2023 cho thấy, hạn chế lớn trong ĐMST tại Việt Nam chủ yếu vẫn nằm ở cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực và nghiên cứu; trình độ phát triển của doanh nghiệp.

Với thực tế đó, các ý kiến tại Diễn đàn đều cho rằng, để thúc đẩy ĐMST trong bối cảnh mới cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách. Đại diện NIC cho rằng, cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách đang có những tác động tốt; tận dụng các cơ hội xây dựng quy hoạch phát triển để xây dựng các khu vực, trung tâm ĐMST; chọn những điểm nghẽn dễ làm, dễ sửa nhưng có tác động lớn trước; không bỏ quên các cơ chế, chính sách ĐMST khu vực công…

Thúc đẩy CĐS trong doanh nghiệp, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy "chuyển đổi kép" - CĐS kết hợp với chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp - với việc đào tạo chuyên sâu nâng cao năng lực CĐS cho doanh nghiệp; tư vấn lộ trình và tư vấn triển khai cho doanh nghiệp; hỗ trợ giải pháp CĐS…

Chuyên đề