Đổi mới sáng tạo - Con đường đi tới thịnh vượng

(BĐT) - Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành một quốc gia thịnh vượng vào năm 2035. Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, khát vọng ấy chỉ có thể được hiện thực hóa khi chúng ta xác định đúng hướng đi, vạch rõ con đường và đi thật nhanh với tốc độ tăng trưởng cao liên tục. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Lê Tiên

Bối cảnh hiện nay muốn tăng trưởng nhanh con đường tất yếu là phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra.

Trong câu chuyện đầu xuân với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, chúng tôi cảm nhận rất rõ khát vọng cháy bỏng đưa Việt Nam đến thật nhanh mục tiêu thịnh vượng. Vị tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư đã chia sẻ nhiều kỳ vọng, giải pháp để ngọn lửa đổi mới sáng tạo được thắp lên mạnh mẽ, tiếp sức cho Việt Nam vươn tới nhanh hơn mục tiêu đã định.

Đổi mới sáng tạo đóng vai trò như thế nào đối với sự phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn hiện nay, thưa Bộ trưởng?

Thế giới ngày càng phẳng, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đòi hỏi bất kỳ một quốc gia nào muốn phát triển thì không được phép ngừng nghỉ, vì dừng lại, thậm chí là đi chậm đồng nghĩa với tụt hậu. Bối cảnh ấy không cho phép tư duy theo lối mòn, cách làm rập khuôn, bị động, xa rời thời cuộc. Muốn tồn tại cùng với sự thay đổi như vũ bão của thế giới, đổi mới sáng tạo là con đường chúng ta phải đi.

Nhìn lại lịch sử đất nước có thể thấy, sự phát triển luôn gắn với quá trình đổi mới không ngừng. Từ một nước nghèo, lạc hậu, trải qua quá trình đổi mới liên tục, Việt Nam đã trở thành một quốc gia năng động có mức thu nhập trung bình và là một trong những điểm sáng của kinh tế toàn cầu như hiện nay. Thể hiện rõ nét nhất về đổi mới kinh tế là công cuộc Đổi mới năm 1986, Khoán 10,...

Tuy nhiên, dù đã bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình của thế giới, Việt Nam vẫn chưa thu hẹp được khoảng cách với các nền kinh tế thành công trong khu vực như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có xu hướng giảm dần, từ trung bình 7,3% của giai đoạn 1990 - 2000, xuống còn 6,7% trong giai đoạn 2001 - 2010 và bình quân 5,96% cho giai đoạn 2011 - 2016. Nếu tiếp tục xu hướng này Việt Nam sẽ mất rất nhiều thời gian để thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực.

Giả sử chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6%/năm thì ước tính Việt Nam phải mất gần 20 năm nữa mới đạt được mức thu nhập bình quân đầu người của Malaysia và hơn 10 năm nữa mới bằng Thái Lan vào thời điểm năm 2010. Nhưng vấn đề là ở chỗ các quốc gia đứng trên ta không dừng lại để ta đuổi kịp. Khi nước ta đạt mức phát triển của họ thì họ cũng đã bỏ xa ta ở một khoảng cách khác. Do vậy, không còn cách nào khác là phải phát triển nhanh hơn thì mới bắt kịp.

Đáng quan ngại là, tăng trưởng năng suất lao động cũng đang sụt giảm, trong khi hiện nay đây là yếu tố quan trọng hàng đầu đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Lúc này, Việt Nam dường như đang ở ngã ba đường, chỉ cần chậm chân một chút, có thể rẽ sang con đường tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình với khoảng cách ngày càng xa với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Nhưng nếu nắm được cơ hội, bằng mọi nỗ lực đi thật nhanh, ngã rẽ sẽ là con đường duy trì tốc độ tăng trưởng cao để đi đến thịnh vượng.

Muốn vượt qua thách thức, chớp cơ hội rẽ vào con đường thứ hai, không có cách nào khác là nền kinh tế Việt Nam phải tăng cường sức khỏe nội tại để đi với tốc độ thật nhanh. Hiện nay, khi những nguồn lực cũ cho tăng trưởng đã tới hạn, thì đổi mới sáng tạo, nhất là về công nghệ, để nâng cao năng suất lao động là cách nhanh và hiệu quả để thúc đẩy cỗ máy kinh tế vận hành mạnh mẽ hơn, chủ động đón nhận vận hội mới, cơ hội mới và bắt kịp với nhịp phát triển của thế giới. 

Như Bộ trưởng vừa nói, đổi mới sáng tạo là quá trình liên tục suốt hành trình phát triển của đất nước, vậy đặc thù của đổi mới sáng tạo trong bối cảnh hiện nay là gì thưa Bộ trưởng?

Thế giới ngày nay đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với trình độ công nghệ ở thế hệ 4.0 với sự phát triển bùng nổ của các công nghệ xuyên ngành thế hệ mới, mở ra một thời đại phát triển mới của loài người gắn với trí tuệ nhân tạo và nền kinh tế số. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên tất cả các phương diện từ quản trị nhà nước đến phương thức hoạt động, quản trị của doanh nghiệp và gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào đổi mới sáng tạo.

Là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, dù muốn hay không, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chắc chắn sẽ có tác động lớn đến Việt Nam. Đây là thời cơ để  nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất trong nước và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ; mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo... Tuy nhiên, nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh, dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp...

Vì thế, công cuộc đổi mới sáng tạo hiện nay của chúng ta sẽ không thể tách rời xu thế chung của thế giới, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Như thông điệp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh, cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc nên chúng ta không thể bỏ lỡ. Ngược lại, nếu không thể nắm bắt được cơ hội này, nguy cơ tụt hậu sẽ càng cao. 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội và đặt ra yêu cầu đổi mới rất mạnh mẽ. Chúng ta đã có sự chuẩn bị như thế nào để nắm bắt được thời cơ do cuộc cách mạng này mang lại thưa Bộ trưởng?

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định rõ, động lực quan trọng nhất và cũng là điều kiện để đổi mới mô hình tăng trưởng là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Năm qua, chúng ta đã có Nghị quyết Trung ương 5 về Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết Trung ương 6 về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đó là những đổi mới rất quan trọng trong đánh giá vị thế của kinh tế tư nhân cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính công, tiếp tục tạo động lực, nền tảng cho đổi mới sáng tạo.

Trong năm 2017, Quốc hội cũng đã thông qua những đạo luật có tư tưởng, tư duy đột phá, nâng đỡ, tạo bệ phóng cho đổi mới sáng tạo như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Quy hoạch. Dự kiến Quốc hội sẽ thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vào kỳ họp tới, tạo ra thể chế vượt trội về hành chính và kinh tế, có sức cạnh tranh toàn cầu, giúp hình thành các cực tăng trưởng mới cho đất nước.

Để chủ động nắm bắt cơ hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, Thủ tướng đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với từng bộ, ngành, địa phương liên quan trong thời gian từ nay đến năm 2020.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định tạo điều kiện cho các doanh nghiệp áp dụng, phát triển khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Các bộ, ngành và địa phương tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin. Đa số các dịch vụ công hiện nay đã chuyển sang trực tuyến, trong đó hơn 10% đã ở mức độ 3 và 4... Bên cạnh đó là tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật cho phát triển nền kinh tế số, công nghiệp thông minh; xây dựng chiến lược tổng thể về chuyển đổi số và cơ sở dữ liệu quốc gia…

Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. 

Các giải pháp cụ thể để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong thời gian tới là gì thưa Bộ trưởng?

Đổi mới sáng tạo là một quá trình khó khăn và phức tạp về nhận thức, tư duy, đòi hỏi những thay đổi mạnh mẽ ở cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Tuy đã có nhiều giải pháp, nhưng cũng phải thẳng thắn đánh giá xem Việt Nam đang đứng ở đâu về năng lực đổi mới sáng tạo. Khi xác định được mình đang ở đâu thì mới có thể đề ra hướng đi trong thời gian tới.

Sự sụt giảm tăng trưởng năng suất, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, nhu cầu cũng như việc thực hiện nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp còn rất nhỏ bé,... là những chỉ dấu cho thấy sự đổi mới sáng tạo của chúng ta còn chậm, còn yếu kém, còn chưa đến được với nhiều doanh nghiệp.

Với một xuất phát điểm như vậy, bước đầu tiên, quan trọng nhất vẫn là tiếp tục tạo nhận thức sâu sắc, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo gắn với thời cơ, thách thức từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là yếu tố cốt lõi để đảm bảo thành công.

Cơ quan quản lý cũng phải nâng cao hiệu quả hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, Chính phủ cũng phải 4.0. Cải cách khuôn khổ pháp lý phải theo hướng tạo điều kiện, tạo “đất sống”  cho hoạt động đổi mới sáng tạo, giảm bớt sự chi phối của doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn lực phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo,… Xây dựng cơ chế thị trường lành mạnh, cạnh tranh thực sự, bình đẳng chính là động lực thúc đẩy doanh nghiệp phải đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. 

Thông qua đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp sẽ đóng góp và thúc đẩy nền kinh tế thịnh vượng. Làm thế nào để doanh nghiệp bắt kịp cuộc chơi này, đổi mới sáng tạo thành công, thưa Bộ trưởng?

Doanh nghiệp vừa là trung tâm, vừa là động lực phát triển của công nghệ mới, công nghiệp thông minh và thương mại hóa, ứng dụng thành công các thành tựu khoa học - công nghệ vào thực tiễn đời sống. Các doanh nghiệp là cầu nối biến các tri thức mới thành giá trị gia tăng và tăng trưởng. Chính các doanh nghiệp cũng phải tự ý thức được vai trò của đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển như vũ bão.

Nếu doanh nghiệp không đổi mới, chỉ tập trung vào việc khai thác các cơ hội trước mắt hoặc duy trì quy mô hiện có về thiết bị, công nghệ, lao động… thì sẽ tự giảm thị phần của mình và từng bước bị đẩy lùi về phía sau. Doanh nghiệp cần đặt mục tiêu mở rộng, phát triển thông qua tăng năng suất, đổi mới công nghệ nhanh và có hiệu quả, nhằm không ngừng nâng cao năng lực và sức cạnh tranh trong hội nhập quốc tế.

Cùng với khát vọng thịnh vượng của dân tộc, các doanh nghiệp cũng phải đề ra cho mình những khát vọng đột phá, vượt ra ngoài biên giới quốc gia, đưa sản phẩm và dịch vụ sản xuất tại Việt Nam chinh phục thị trường quốc tế. Đổi mới sáng tạo chính là con đường cho doanh nghiệp Việt thực hiện khát vọng vươn ra biển lớn, từ đó góp phần hiện thực hóa khát vọng quốc gia. 

Trong quá trình đổi mới của đất nước nói chung, thúc đẩy đổi mới sáng tạo giai đoạn hiện nay nói riêng, Bộ KH&ĐT đã và sẽ phát huy vai trò của mình như thế nào thưa Bộ trưởng?

Trong suốt hành trình phát triển hơn 70 năm của mình, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức của Bộ và ngành KH&ĐT hết sức tự hào đã hoàn thành tốt vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp cho Đảng, Chính phủ về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, với tinh thần tiên phong, đổi mới.

Nhiều chính sách, văn bản luật quan trọng được Bộ tham mưu và chủ trì soạn thảo, đã và sẽ đóng góp lớn vào những thành quả của quá trình đổi mới, phát triển của đất nước, như: Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chính sách về thu hút đầu tư tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng,…

Tập thể Bộ KH&ĐT rất vui mừng nhận được sự khích lệ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi ghi nhận Bộ đã luôn là những người lính xung kích trong đổi mới tư duy kinh tế, đã đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, biện pháp để hoàn thành nhiệm vụ phát triển đất nước qua từng thời kỳ.

Bộ KH&ĐT xác định kết quả mới chỉ là bước đầu, chặng đường đổi mới sáng tạo và phát triển vẫn còn dài ở phía trước. Bộ KH&ĐT sẽ ngày càng nỗ lực, thực sự trở thành “cỗ máy tinh vi, khối óc sáng suốt” như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Ngọn lửa khát vọng, đổi mới sáng tạo mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức Bộ KH&ĐT đã thắp lên và gìn giữ qua nhiều thời kỳ sẽ tiếp tục được thổi bùng lên mạnh mẽ, để tiếp sức, truyền cảm hứng, biến thành những hành động quyết liệt, tiên phong, đi đầu hướng đến mục tiêu thịnh vượng của đất nước. 

Nhân dịp năm mới, Bộ trưởng có thông điệp gì gửi tới cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo độc giả của Báo Đấu thầu?

Năm 2017 chúng ta đã được chứng kiến những luồng sinh khí mới trên nhiều lĩnh vực và phương diện. Khí thế và vận nước đang lên với những sự kiện tầm cỡ thế giới được tổ chức thành công, Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư và các dòng vốn lớn. Mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp, mỗi tổ chức… đều thể hiện khát vọng thịnh vượng, đều mong muốn có những đổi thay và trên thực tế có không ít thay đổi. Khi chúng ta tích cực sáng tạo và thay đổi, thịnh vượng sẽ đến như một điều tất yếu.

Tinh thần đó sẽ được tiếp tục nhân lên trong năm 2018, năm đặc biệt quan trọng, có nhiều ý nghĩa đối với sự phát triển của đất nước. Với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và “khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp” là một trong những trọng tâm điều hành của Chính phủ nêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2018, Chính phủ cam kết tiếp tục đồng hành, chắp cánh cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo.

Nhân dịp năm mới, tôi chúc cộng đồng doanh nghiệp, đông đảo độc giả Báo Đấu thầu luôn năng động, sáng tạo, dồi dào năng lượng, tích cực đổi mới để gặt hái nhiều thành tựu rực rỡ hơn nữa, đóng góp cho sự phát triển và thịnh vượng của đất nước.

Chuyên đề