Đổi mới giám sát, đo lường hiệu quả đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cơ chế giám sát và đánh giá đầu tư công tinh gọn, hữu hiệu là chìa khóa nâng cao hiệu quả đầu tư. Việc tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong công tác này không chỉ giúp đơn giản hóa thủ tục giám sát, đánh giá đầu tư, mà còn công khai, minh bạch trong quá trình giám sát, giảm thiểu thất thoát, lãng phí trong quá trình đầu tư.
Người dân có thể truy cập vào hệ thống thông tin để tra cứu về thực tiễn triển khai công trình, dự án... Ảnh: Nhã Chi
Người dân có thể truy cập vào hệ thống thông tin để tra cứu về thực tiễn triển khai công trình, dự án... Ảnh: Nhã Chi

Theo phản ánh của một số địa phương, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế triển khai công tác giám sát, đánh giá đầu tư tại một số địa bàn còn bộc lộ không ít hạn chế như: chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc công tác giám sát, đánh giá đầu tư và chế độ báo cáo định kỳ theo quy định. Nhiều báo cáo giám sát đầu tư chưa đảm bảo chất lượng, còn thiếu nội dung phân tích, đánh giá cũng như các biểu mẫu theo quy định; chưa nêu ra những khó khăn, vướng mắc cũng như không kịp thời đề xuất những thay đổi về cơ chế chính sách, quy định; chưa đề xuất biện pháp khắc phục, chế tài xử lý những tồn tại, vi phạm...

Thực tế cũng cho thấy không ít chủ đầu tư chưa quan tâm đúng mức và không chú trọng nên chất lượng công tác giám sát, đánh giá đầu tư chưa cao, đầu tư còn dàn trải, kéo dài, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, tác động không tốt đến tốc độ phát triển của một số ngành, địa phương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua, Nghị định số 84/2015/NĐ-CP là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện công tác giám sát và đánh giá đầu tư trên phạm vi cả nước. Hơn 5 năm qua, công tác giám sát và đánh giá đầu tư cơ bản được cải thiện, trong đó điểm nổi bật là chính thức áp dụng Hệ thống thông tin trong giám sát, đánh giá đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số quy định tại Nghị định số 84/2015/NĐ-CP được đánh giá là chưa rõ ràng hoặc chưa hợp lý.

Tại nhiều cuộc họp lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, đa số ý kiến cho rằng, cần rà soát, lược bớt các nội dung, chế độ báo cáo theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tránh chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước; đổi mới, nâng cao vai trò công tác giám sát, đánh giá đầu tư; minh bạch thông tin để tăng cường giám sát, đánh giá đầu tư, giảm thiểu thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.

Để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn về công tác giám sát, đánh giá đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 29/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Tăng Ngọc Tráng, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Nghị định 29/2021/NĐ-CP đã kế thừa các quy định trước đó về giám sát và đánh giá đầu tư; thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; đồng thời bảo đảm các thủ tục, nội dung giám sát và đánh giá đầu tư đơn giản, cụ thể, phù hợp với từng chủ thể, cơ quan quản lý nhà nước, loại dự án, nguồn vốn đầu tư nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư cũng như tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này.

Cụ thể, Nghị định 29/2021/NĐ-CP quy định trách nhiệm, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan, đơn vị thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư; cách thức, trình tự thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư; báo cáo về giám sát, đánh giá đầu tư; hệ thống thông tin về giám sát đầu tư quốc gia; xử lý kết quả giám sát, đánh giá đầu tư; xử lý vi phạm trong giám sát và đánh giá đầu tư.

Nghị định đã giảm bớt số lượng báo cáo giám sát và đánh giá đối với một số chủ thể như: bỏ nội dung báo cáo về việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án thành phần thuộc chương trình của chủ chương trình, chủ dự án thành phần; bỏ nội dung theo dõi, kiểm tra về tổng hợp tình hình thực hiện lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án thành phần thuộc chương trình và quyết định điều chỉnh dự án thành phần thuộc chương trình (nếu có) của cơ quan chủ quản và người có thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình.

Nghị định cũng sửa đổi quy định “kiểm tra ít nhất 1 lần đối với các dự án có thời gian thực hiện đầu tư trên 12 tháng” thành “kiểm tra ít nhất một lần đối với các dự án từ nhóm B trở lên”; bỏ quy định đánh giá ban đầu đối với chương trình đầu tư công, dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước ngoài vốn đầu tư công; bỏ quy định đánh giá tác động đối với dự án đầu tư ra nước ngoài.

Đặc biệt, Nghị định 29/2021/NĐ-CP bỏ chế độ báo cáo quý I, 6 tháng, quý III, báo cáo giám sát, đánh giá trước khi trình quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đối với cơ quan được giao lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình, dự án đầu tư công; bỏ chế độ báo cáo quý I, quý III, báo cáo giám sát, đánh giá trước khi khởi công chương trình, dự án của chủ chương trình, chủ đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công, chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài vốn đầu tư công, nhà đầu tư thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư...

Ông Tăng Ngọc Tráng khẳng định, việc giảm thiểu các kỳ báo cáo, nhất là báo cáo bằng văn bản, thay thế bằng việc báo cáo qua hệ thống thông tin vừa bảo đảm đổi mới trong công tác báo cáo, giám sát đầu tư, giảm thiểu thủ tục hành chính, vừa tăng cường công khai, minh bạch thông tin về dự án. Người dân có thể truy cập vào hệ thống thông tin để tra cứu về thực tiễn triển khai công trình, dự án… Điều này sẽ giảm thiểu thất thoát, lãng phí trong đầu tư công, tăng cường giám sát cộng đồng và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đầu tư công.

Chuyên đề