Doanh nghiệp xoay vần với nợ trái phiếu tới hạn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty CP Tập đoàn R&H, Công ty CP Hưng Thịnh Land, Năng lượng tái tạo Trung Nam, Đầu tư dịch vụ thương mại Gia Khang… là những doanh nghiệp vừa đạt được thỏa thuận gia hạn hàng nghìn tỷ đồng nợ trái phiếu với các trái chủ thêm 24 tháng.
Công ty CP Năng lượng tái tạo Trung Nam vừa đạt được thỏa thuận gia hạn hàng nghìn tỷ đồng nợ trái phiếu với các trái chủ
Công ty CP Năng lượng tái tạo Trung Nam vừa đạt được thỏa thuận gia hạn hàng nghìn tỷ đồng nợ trái phiếu với các trái chủ

Bên cạnh đó là rất nhiều doanh nghiệp khác đang phải xoay vần với nợ trái phiếu khi có tới 65.000 tỷ đồng phải thanh toán trong quý cuối năm 2023 và gần 330.000 tỷ đồng phải thanh toán năm 2024. Xử lý khối nợ trái phiếu cách nào tiếp tục là bài toán nóng và khó không chỉ với doa

nh nghiệp, mà còn với cơ quan chức năng trong bối cảnh hiện nay.

Tìm cách giảm áp lực nợ

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (có hiệu lực từ tháng 3/2023) đã giúp nhiều doanh nghiệp có giải pháp giảm áp lực trả nợ trái phiếu. Đáng quý nhất là Nghị định cho phép doanh nghiệp được đàm phán với các trái chủ để dùng tài sản khác trả nợ trái phiếu, hoặc đàm phán kéo dài kỳ hạn của trái phiếu đến 2 năm so với kỳ hạn đã công bố. Ông Châu cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực tối đa để đàm phán với trái chủ nhằm giảm bớt áp lực nợ trong bối cảnh thanh khoản trên thị trường bất động sản rất khó khăn, doanh nghiệp cạn dòng tiền. Thực tế, nhiều doanh nghiệp có tài sản lớn, nhưng không thể chuyển thành tiền để trả trái chủ. Vận dụng Nghị định số 08, trong quý III/2023, ít nhất có 12 doanh nghiệp bất động sản đã tiến hành đàm phán và đạt được thỏa thuận giãn nợ 24 tháng với số tiền giãn từ 1.000 - 5.000 tỷ đồng (xem bảng).

Ở góc nhìn khách quan, ông Nguyễn Bá Khương, chuyên gia VNDIRECT chia sẻ, trong các tổ chức đàm phán gia hạn được nợ, nhiều tổ chức đã chậm trả nợ trái phiếu nhiều tháng trước đó, như Novaland, Hưng Thịnh Land, Hưng Thịnh Quy Nhơn... Trái chủ có ép, doanh nghiệp cũng không có tiền ngay để trả được, vì bất động sản chưa bán được. Cả 2 bên cùng “bất đắc dĩ” phải ký thêm hợp đồng gia hạn. Cũng theo ông Khương, nhiều tổ chức phát hành tìm cách trả nợ bằng bất động sản, nhưng rất ít trái chủ nhận loại tài sản này. Lý do chủ yếu là pháp lý khối tài sản bất động sản dùng để trả chưa đầy đủ, hoặc giá tính để trả cho trái chủ không hấp dẫn.

Nhiều doanh nghiệp được trái chủ chấp nhận giãn nợ thêm 24 tháng

Nhiều doanh nghiệp được trái chủ chấp nhận giãn nợ thêm 24 tháng

Ở một nỗ lực khác, nhiều doanh nghiệp xoay được nguồn tiền, đã chủ động mua lại trái phiếu trước hạn, trong đó khối công ty đại chúng mua lại 99.000 tỷ đồng; khối công ty chưa đại chúng mua lại 54.000 tỷ đồng; khối công ty TNHH mua lại trên 12.000 tỷ đồng…

Đàm phán để giãn nợ, trả nợ bằng tài sản, mua lại nợ là 3 giải pháp cơ bản để doanh nghiệp vơi nhẹ áp lực nợ đến hạn. Tuy có vơi, nhưng khối nợ trái phiếu đến hạn phải trả vẫn còn rất lớn. HoREA cho biết, quý IV năm 2023, không tính các lô trái phiếu đã giãn, hoãn và mua lại, tổng giá trị trái phiếu đến hạn phải trả còn tới 65.500 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2024, giá trị trái phiếu đến hạn phải trả lên tới 329.500 tỷ đồng, là năm cao điểm nhất trong 3 năm gần đây (năm 2022 là 144.500 tỷ đồng; năm 2023 là 271.400 tỷ đồng trái phiếu đến hạn).

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, chịu gánh nặng nợ lớn, các doanh nghiệp bất động sản là chủ thể vất vả và muốn giảm nợ nhất. Tuy nhiên, “cánh cửa” giảm nợ bằng cách đàm phán hoán đổi tài sản, giãn nợ với trái chủ còn rất nhỏ, bởi như ông Châu chia sẻ, để đàm phán được, doanh nghiệp phải có dự án đủ tính pháp lý. Đây là điểm khó khăn nhất. “Các dự án đủ pháp lý thì hầu hết doanh nghiệp đã thế chấp ngân hàng. Nợ đến hạn phải trả, doanh nghiệp chưa biết xoay xở tiếp ra sao. Đây là lý do khiến HoREA mới đây gửi kiến nghị đến Chính phủ và các bộ, ngành, đề xuất xem xét, giãn chính sách, cho doanh nghiệp thêm cơ hội giải thoát khối nợ”, ông Châu nói.

Đề xuất nới chính sách thêm 1 năm

VNDIRECT cho biết, quý III/2023, cả nước có 88 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị huy động 100.163 tỷ đồng, cao gấp gần 2,6 lần so với quý II/2023 và tăng 50% so với cùng kỳ. Trong đó có 80 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành đạt 88.715 tỷ đồng. Kênh phát hành riêng lẻ phục hồi mạnh mẽ xuất phát từ việc Điều 3, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP cho phép 2 điểm: doanh nghiệp phát hành chưa phải thực hiện xếp hạng tín nhiệm và người mua chưa phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (có danh mục tối thiểu 2 tỷ đồng).

Tuy nhiên, 2 điểm trên chỉ “mở” đến 31/12/2023, sau đó các chủ thể phải tuân thủ đúng quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP, tức là doanh nghiệp phải thực hiện xếp hạng định mức tín nhiệm và người mua trái phiếu phải đạt tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp. Chủ tịch HoREA lo lắng, nếu áp dụng đúng thời điểm, doanh nghiệp sẽ thêm khó khăn trong việc gọi vốn bằng trái phiếu mới. Theo đó, HoREA đề xuất Chính phủ cho phép giãn Điều 3, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP thêm 1 năm, để doanh nghiệp, nhất là khối bất động sản còn cơ hội gọi vốn. Đặc biệt, ông Châu mong rằng, cơ quan chức năng và các chính sách sắp tới cần thực chất gỡ vướng pháp lý cho các dự án bất động sản, bởi đây vẫn là nút thắt lớn nhất, là khó khăn lớn nhất của toàn ngành.

Theo số liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tính đến ngày 3/10/2023, có 69 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu. Phần lớn trong số các tổ chức phát hành này là các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bất động sản.

Trái ngược với khối DN bất động sản phải huy động trái phiếu vì quá cần tiền, khối ngân hàng đang dư thừa thanh khoản (do dư nợ tín dụng toàn hệ thống rất thấp, đến nay đạt chưa tới 7%), cũng đẩy mạnh huy động vốn bằng trái phiếu. Tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ của nhóm ngân hàng phát hành quý III đạt 47.224 tỷ đồng, chiếm 53,2% tổng giá trị huy động toàn quý. Huy động lớn nhất là Ngân hàng TMCP Á châu 15.000 tỷ đồng; tiếp đến, Ngân hàng TMCP Kỹ thương 6.000 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Phương Đông 5.200 tỷ đồng; Ngân hàng An Bình 2.000 tỷ đồng…

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Minh Ngọc, Chủ tịch Công ty Tư vấn đầu tư Bluechip IB lý giải, thừa thanh khoản vẫn huy động vốn trái phiếu là vì ngân hàng phải huy động vốn dài hạn để đáp ứng quy định tại Thông tư 08/2020/NHNN, yêu cầu giảm tỷ trọng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 34% xuống còn 30% (kể từ ngày 1/10/2023).

Lý do khác, các ngân hàng có thể đang suy tính rằng, mặt bằng lãi suất thấp chỉ duy trì rất ngắn hạn, Việt Nam sẽ phải sớm chấm dứt “thả lỏng” lãi suất để giữ tỷ giá và lạm phát, bởi không thể mãi đứng ngoài cuộc đua lãi suất của ngân hàng trung ương các nước trong cuộc chiến chống lạm phát. Theo đó, thời điểm này là rất tốt cho các ngân hàng huy động vốn dài hạn giá rẻ. “Ngân hàng có thể chấp nhận lỗ ngắn hạn, để lo cho dài hạn”, ông Ngọc nói và cho rằng, việc Chủ tịch JP Morgan, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ mới đây dự báo, Cục Dự trữ liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất lên đến 7% sẽ tạo áp lực tăng lãi suất ở Việt Nam.

Chuyên đề