Doanh nghiệp vật liệu xây dựng thận trọng về triển vọng kinh doanh năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo khảo sát của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), 2 trở ngại lớn nhất mà doanh nghiệp vật liệu xây dựng (VLXD) phải đương đầu hiện nay là "biến động giá nguyên vật liệu" và "tác động của suy thoái kinh tế". 

Cụ thể, Vietnam Report nhận định, mức độ ảnh hưởng của tác động suy thoái kinh tế được dự báo sẽ lan rộng hơn tới 85,7% số doanh nghiệp trong khoảng 12 - 18 tháng tới. Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu không tích cực kéo theo sức cầu VLXD toàn cầu yếu. Những rào cản thương mại của các nước nhập khẩu buộc doanh nghiệp VLXD Việt Nam vất vả hơn trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng xuất khẩu các sản phẩm từ sắt, thép 2 tháng đầu năm nay đạt 92,2%; trong khi clinker và xi măng chỉ đạt 69,6%.

Trong nước, lĩnh vực bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục trong nửa đầu năm nay, kéo theo sự hồi phục chậm của các doanh nghiệp ngành VLXD. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn chưa thể gạt bỏ hoàn toàn gánh nặng biến động giá nguyên liệu đầu vào.

Nguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Khảo sát các doanh nghiệp VLXD, tháng 2/2022 và tháng 2/2023

Nguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Khảo sát các doanh nghiệp VLXD, tháng 2/2022 và tháng 2/2023

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, dự báo giá VLXD năm 2023 sẽ tiếp tục tăng 3,2%, do tăng theo giá nguyên vật liệu đầu vào.

Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra rằng, mức độ ảnh hưởng của sự biến động giá nguyên liệu và phụ gia đến chiến lược phát triển và nâng cao uy tín của doanh nghiệp VLXD trong năm 2023 đạt 4,7 điểm trên thang điểm 5 - tức mức ảnh hưởng rất nhiều. Con số này giảm nhẹ so với mức 4,8 điểm của năm 2021, nhưng vẫn tăng mạnh so với mức 4,1 điểm của năm 2020 hay 3,8 điểm của năm 2021 - năm mà phần lớn các hoạt động kinh doanh đều bị đóng băng do tác động của đại dịch.

Bên cạnh đó, sự bất cân xứng cung cầu do tình trạng dư thừa nguồn cung sẽ gây nên sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các doanh nghiệp. Dự báo về triển vọng kinh doanh của ngành VLXD trong năm 2023 so với năm 2022, đa số các doanh nghiệp đều giữ thái độ thận trọng. Cụ thể, trên thang điểm 5, lĩnh vực xi măng đạt 2,8 điểm; trong khi gạch, đá ốp lát, sứ vệ sinh được các doanh nghiệp đánh giá ở mức 2,9 điểm và lĩnh vực sắt, thép, tôn đạt 3,0 điểm.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có những tín hiệu tích cực cho ngành VLXD trong năm nay. Vietnam Report đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp trong ngành và ghi nhận top 9 cơ hội đóng góp cho tăng trưởng của doanh nghiệp ngành VLXD trong năm 2023.

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp VLXD, tháng 2/2022 và tháng 2/2023

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp VLXD, tháng 2/2022 và tháng 2/2023

Phần lớn các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành nhận định rằng, đầu tư công được kỳ vọng sẽ là động lực mạnh mẽ đưa thị trường hồi phục và phát triển trở lại. Bên cạnh đó, tín hiệu tích cực khác là vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục được đổ vào Việt Nam nhờ sự ổn định về chính trị, môi trường kinh doanh và sức phát triển lớn tại thị trường nội địa. Trong năm 2022, đây cũng là một nguồn lực quan trọng, khi ước tính các dự án đầu tư nước ngoài FDI đã giải ngân được gần 22,4 tỷ USD.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tin tưởng vào tương lai khả quan trong nửa sau của năm 2023 từ việc sản xuất công nghiệp toàn cầu phục hồi khi tình trạng thiếu hụt năng lượng dần được kiểm soát. Đặc biệt, các yếu tố liên quan đến công tác quản lý, điều hành của Chính phủ đóng vai trò rất lớn tới sức bật của các doanh nghiệp VLXD. Các gói tín dụng cho nhà ở xã hội hay việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý trên thị trường bất động sản của Chính phủ sẽ khơi thông những dự án bất động sản triển khai dang dở ở giai đoạn trước, giúp thúc đẩy tăng trưởng "hệ sinh thái" đi cùng như xây dựng và VLXD.

Bên cạnh đó, việc chính sách Zero-Covid được gỡ bỏ và các gói cứu trợ lĩnh vực bất động sản dần có hiệu lực ở Trung Quốc - thị trường xuất khẩu sắt thép, xi măng lớn nhất của Việt Nam được cho là động lực quan trọng cho thị trường VLXD trong năm nay.

Chiến lược ưu tiên trong ngắn và trung hạn

Các yếu tố đến từ nội tại đã giúp doanh nghiệp VLXD vững vàng trong một năm 2022 đầy biến động tiếp tục được kỳ vọng sẽ là trụ cột tăng trưởng chính cho năm 2023.

Trong đó, ứng dụng thành công chuyển đổi số trong quản lý và vận hành có tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn tăng mạnh nhất so với kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2022 (tăng 80,0%), vươn lên vị trí thứ hai trong số năm trụ cột đóng góp vào kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngành VLXD trong năm qua. Khảo sát chỉ ra tín hiệu tích cực khi tỷ lệ doanh nghiệp có hệ thống và công cụ được tích hợp đầy đủ tăng lên rõ rệt so với năm trước (từ 27,3% lên 60,0%).

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp VLXD, tháng 2/2022 và tháng 2/2023

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp VLXD, tháng 2/2022 và tháng 2/2023

Về mức độ ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp ngành VLXD, Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP), Nền tảng công nghệ di động, Điện toán đám mây (Cloud Computing), Dữ liệu lớn (Big Data) lần lượt là những công nghệ có mức độ ứng dụng cao nhất trên thang điểm 5.

Không nằm ngoài xu thế số hóa, các doanh nghiệp trong ngành VLXD ngày càng quan tâm hơn tới ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Đa số các công nghệ đều có tỷ lệ ứng dụng cao hơn so với năm trước.

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp VLXD tháng 2/2022 và tháng 2/2023

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp VLXD tháng 2/2022 và tháng 2/2023

Trên cơ sở đó, chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp VLXD trong ngắn hạn tập trung vào 6 ưu tiên: Đẩy mạnh đầu tư và phát triển ứng dụng công nghệ; Tăng cường công tác quản trị tài chính, quản trị rủi ro: Mở rộng hoạt động cho tất cả các phân khúc, địa bàn hoạt động; Tăng cường hợp tác đầu tư; Cắt giảm chi phí; Phát triển các dòng sản phẩm và dịch vụ mới.

Theo Vietnam Report, các chiến lược thúc đẩy số hóa vẫn được doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong cả giai đoạn ngắn và trung hạn.

Phát triển bền vững - Con đường tất yếu để củng cố thương hiệu

Trước thực trạng tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt, nhiên liệu hoá thạch khan hiếm, trong khi chi phí cho năng lượng ngày một tăng cao, ngành VLXD không thể đứng ngoài làn sóng phát triển bền vững, đặc biệt khi đây là ngành tiêu thụ năng lượng và tài nguyên với số lượng lớn, góp phần đáng kể trong phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu.

Trong năm qua, việc tăng giá VLXD cũng có mặt tích cực là thúc đẩy quá trình đổi mới, tái cấu trúc sản phẩm của ngành VLXD. Nói cách khác, điều này tạo thời cơ cho các dòng vật liệu mới, thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp VLXD tái cấu trúc sản phẩm theo hướng gia tăng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Bởi trong bối cảnh giá vật tư xây dựng tăng mạnh do biến động nguồn cung nhập khẩu và cạn kiệt dần các mỏ khai thác tự nhiên, dịch chuyển sang các nguyên vật liệu thay thế sẽ là hướng đi tất yếu giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển.

77,8% doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã và đang trong quá trình lập kế hoạch và triển khai cam kết ESG như một công cụ hữu hiệu để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đặc biệt, từ năm 2023, một trong những thị trường chủ lực của Việt Nam là EU sẽ áp thuế phát thải carbon theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Cơ chế này ban đầu sẽ áp dụng cho các ngành phát thải cao nhất có nguy cơ rò rỉ cao nhất - như sắt thép, xi măng, nhôm - và có thể sẽ được mở rộng sang các ngành khác trong những năm tới. Nếu muốn tiếp tục xuất khẩu sang thị trường rộng lớn này, các doanh nghiệp trong ngành phải chuẩn bị tốt để đáp ứng các yêu cầu của EU.

Nhận thức được bối cảnh kinh doanh mới, các bên liên quan đang chú trọng nhiều hơn đến tính bền vững và hành vi có trách nhiệm của doanh nghiệp, 80,0% số doanh nghiệp VLXD tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng, việc thực thi và đáp ứng tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) có ảnh hưởng đến việc giành được hợp đồng/đơn hàng của doanh nghiệp.

Trong số các lợi ích bổ sung được xem xét trong hồ sơ đấu thầu của doanh nghiệp, Bảo vệ môi trường tự nhiên là yếu tố ưu tiên hàng đầu (100%), tiếp đến là Phát triển kinh tế địa phương (66,7%), Quản lý/giảm thiểu chất thải (44,4%), Thúc đẩy phát triển cộng đồng và hòa nhập xã hội (44,4%) và Ủng hộ các hoạt động từ thiện (44,4%). Khảo sát cũng chỉ ra, khoảng 80,0% số doanh nghiệp cho rằng việc triển khai chiến lược phát triển bền vững có thể nâng cao giá trị thương hiệu của mình.

Khi các yếu tố thúc đẩy xanh hóa ngày càng tăng, 100% doanh nghiệp VLXD khẳng định Phát triển bền vững có nằm trong trọng tâm kinh doanh năm 2023. Hiện tại 77,8% doanh nghiệp cho biết đã và đang trong quá trình lập kế hoạch và triển khai cam kết ESG như một công cụ hữu hiệu để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chuyên đề