Giá xăng liên tục tăng ảnh hưởng đến doanh nghiệp vận tải. Ảnh: VT. |
Tính từ đầu tháng 4, xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng giá 3 lần theo thế giới, với mức tăng tổng cộng trên 1.700 đồng một lít. Điều này tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh, giá cả hàng hóa.
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Quốc Thịnh, Giám đốc Công ty vận tải Phú Mỹ cho biết, từ đầu năm xăng tăng liên tục nhưng công ty vẫn cố giữ giá. Thế nhưng, đợt điều chỉnh mới này khiến giá "đội" thêm 1.700-2.000 đồng một lít nên công ty buộc phải thay đổi.
“Hai đợt điều chỉnh giá trước đó chúng tôi cố kìm nên lợi nhuận thấp, thậm chí hòa vốn. Do vậy, với mức tăng thêm của chu kỳ mới, công ty sẽ lỗ", ông Thịnh giải thích. Công ty này vừa thỏa thuận điều chỉnh giá các hợp đồng trước đó, chỉ một vài xin khất đến 1/6 mới tính cước mới.
Cũng vừa điều chỉnh giá từ hôm qua, Giám đốc công ty vận tải ở quận Tân Bình cho biết, chi phí vận chuyển tăng thêm 1.500 đồng một lít dầu. Nếu khách chạy ở cự ly 100 km, tiêu thụ hết 50 lít dầu thì giá tăng thêm 75.000-100.000 đồng.
“Tùy vào mức tiêu thụ mà chúng tôi điều chỉnh giá. Ban đầu nhiều khách đã ký hợp đồng không hài lòng nhưng sau khi đưa ra mức phí điều chỉnh hợp lý thì đã đồng ý”, lãnh đạo cơ sở này nói và cho biết, trước đó cũng đã “thắt lưng buộc bụng” để giữ giá cho khách nhưng vì xăng dầu liên tục tăng nếu không điều chỉnh sẽ lỗ.
Theo tính toán, với các loại xe container, xe tải nặng, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 40%, trong khi các loại xe khác cũng chiếm trung bình khoảng 30% của tổng doanh thu. Mặt khác, để hoạt động, doanh nghiệp vận tải còn phải đóng thêm phí bảo trì đường bộ, BOT, phí bến bãi...
Ông Nguyễn Văn Thanh, chủ sạp kinh doanh trái cây, rau quả tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cũng cho biết, đang chịu tác động mạnh bởi giá xăng. Từ đầu năm đến nay, chi phí vận chuyển rau củ quả, trái cây của ông từ Đà Lạt về TP HCM liên tục bị đội lên do nhà xe tăng giá. “Mỗi chuyến hàng chi phí vận chuyển tăng thêm 500.000-600.000 đồng, tuy nhiên, vì hàng về chợ đông nên giá rau quả được giữ nguyên chứ không dám tăng”, ông Thanh nói.
Trao đổi với VnExpress.net, đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, đa phần các doanh nghiệp bán sỉ nên lượng hàng vận chuyển lớn. Do đó, việc giá xăng liên tục tăng sẽ tác động một phần tới chi phí bán hàng.
Tuy nhiên, đây là thời điểm lượng hàng cung ứng dồi dào nên hầu hết giới kinh doanh vẫn chưa nâng giá thành phẩm.
Trong khi các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đã bắt đầu điều chỉnh giá cước thì doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi đang căng thẳng. Hầu hết thừa nhận, giá xăng đang tác động mạnh tới chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, vì đang phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường nên họ vẫn chưa có kế hoạch điều chỉnh. Nếu kỳ tới, giá xăng dầu tiếp tục tăng, cước taxi có thể buộc phải thay đổi.
Hôm 23/5, giá xăng, dầu điều chỉnh tăng 500 – 678 đồng một lít. Theo đó, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 500 đồng lên tối đa 19.940 đồng, xăng RON 95 lên 21.511 đồng, dầu diesel 17.694 đồng; dầu hoả 16.440 đồng một lít và madut là 14.437 đồng một kg.
Trước đó, 2 kỳ điều đầu tháng 4 và 5, giá các sản phẩm này cũng được thêm khoảng 1.000 đồng.