Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiêu tốn thêm 15.000 tỷ đồng mỗi năm vì chi phí kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: Lê Thu |
Theo đó, quy trình thủ tục hành chính còn rườm rà vẫn hạn chế khả năng tiếp cận các cơ hội ưu đãi của DN.
Vẫn còn nhiều rào cản
Kết quả khảo sát mới nhất của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân với 100 doanh nghiệp (DN) ghi nhận vẫn còn nhiều rào cản về thủ tục hành chính đang gây khó khăn cho hoạt động của DN. Cụ thể, thủ tục hành chính còn rườm rà, gây mất thời gian cho DN (chiếm 73%); thái độ hành vi ứng xử của cán bộ cơ quan nhà nước chưa tốt (chiếm 64%); sự chồng chéo của các cơ quan nhà nước (chiếm 46%)...
Chi tiết hơn, các quan ngại của DN thể hiện ở các vấn đề liên quan đến khó khăn trong thủ tục tiếp cận thông tin thông qua khối cơ quan nhà nước; vấn đề hình sự hóa kinh tế; cách làm việc quan liêu, hành chính và việc cán bộ có biểu hiện lợi ích cục bộ, nhũng nhiễu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, nhìn chung, các DN đã tích cực tham gia và đánh giá cao trọng tâm cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, trong đó việc hội nhập quốc tế là một điều kiện nền tảng đã thực hiện khá hiệu quả. Điều này được thể hiện qua số DN thành lập mới và dòng vốn đầu tư đổ vào nền kinh tế. Trong 11 tháng của năm 2017, đã có 116.000 DN thành lập mới, dự kiến cả năm 2017, số lượng DN thành lập mới sẽ đạt con số 120.000 DN.
Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2017 của Ngân hàng Thế giới cho thấy, xếp hạng cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 16 bậc, đứng thứ 68 trong tổng số 190 nền kinh tế. Kết quả này ghi nhận những cải cách hành chính của Việt Nam đã và đang đạt được nhiều tiến bộ đáng kể.
Doanh nghiệp cần tiếp cận được chính sách ưu đãi
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để cải cách thủ tục hành chính, nhưng sự chuyển biến về tư duy, hành động của các cấp quản lý, đặc biệt ở cấp chính quyền địa phương vẫn khá chậm chạp.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu ví dụ, vừa qua, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với các cơ quan liên bộ và nhận thấy riêng trong lĩnh vực nhập khẩu, các DN phải tiêu tốn thêm 15.000 tỷ đồng mỗi năm vì chi phí kiểm tra chuyên ngành. Điều này khiến các DN Việt khó lòng cạnh tranh được với DN các nước chỉ vì "sự chồng lấn về chức năng, nhiệm vụ và thiếu cơ chế liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính nhà nước".
Với lĩnh vực nông nghiệp, nhiều DN phản ánh, các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn chưa thiết thực, thiếu tính ổn định, độ hấp dẫn cũng như độ an toàn, bền vững của chính sách không cao. Bên cạnh đó, quy trình thủ tục rườm rà, phức tạp, tốn nhiều thời gian cũng làm hạn chế khả năng tiếp cận các cơ hội ưu đãi của DN.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn cũng thừa nhận, thủ tục ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp vẫn rất nhiêu khê với 40 thủ tục, gồm 16 bước nặng tính xin - cho. Hiện nhiều ý kiến của các bộ, ngành cho rằng nên phân cấp thủ tục xác nhận DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về cấp tỉnh, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi để DN đầu tư vào nông nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận được các chính sách ưu đãi.