Doanh nghiệp và nhu cầu phát triển bền vững

(BĐT) - Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu quan trọng và xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Với doanh nghiệp, các hạt nhân của nền kinh tế, việc xây dựng chiến lược để phát triển bền vững cũng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Để gia tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng quan tâm đến yếu tố nguồn nhân lực. Ảnh: Lê Tiên
Để gia tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng quan tâm đến yếu tố nguồn nhân lực. Ảnh: Lê Tiên

Mừng Xuân Kỷ Hợi 2019, Báo Đấu thầu trân trọng giới thiệu quan điểm của một số doanh nghiệp xoay quanh chủ đề phát triển bền vững.

Doanh nghiệp và nhu cầu phát triển bền vững ảnh 1
“Chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế”

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Việt Nam đang ở thời điểm có nguồn nhân lực dồi dào (thế hệ vàng) sẵn sàng đáp ứng cho các dự án quốc tế. Là một nhà thầu xây dựng tổng hợp, chúng tôi nhận thấy, cần tận dụng tối đa các lợi thế này để góp phần đưa ngành xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho nền kinh tế quốc gia và nâng tầm thương hiệu xây dựng Việt Nam vươn ra quốc tế.

Chiến lược của Hòa Bình đến 2021 là hoàn thành mục tiêu quốc tế hóa (Internationalize) Tập đoàn. Để tiến trình quốc tế hóa thành công, Hòa Bình phải chuẩn hóa nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tập đoàn đang chuẩn bị cho ra đời Học viện Xây dựng Hòa Bình. Việc ra đời của Học viện trước hết để đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh và nhiệm vụ quốc tế hóa của Tập đoàn. Đầu năm 2019, Hòa Bình chính thức ra mắt hệ thống đào tạo trực tuyến E-Learning dành cho nội bộ, đây là phần mềm được thiết kế với rất nhiều kiến thức bổ ích, thiết thực được đúc kết trong vài chục năm qua.

Doanh nghiệp và nhu cầu phát triển bền vững ảnh 2
“Chú trọng công tác đào tạo, phát triển nhân sự kế thừa”

Ông Trần Văn Chính, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Coteccons

Nguồn nhân lực trong bộ máy Coteccons được xem là tài sản quý giá nhất. Do đó Coteccons luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên chuyên nghiệp để đưa Công ty phát triển vững mạnh. Công ty đánh giá khách quan, đúng mức về sự đóng góp của mỗi thành viên nhằm giúp cán bộ, nhân viên ý thức vai trò của mình trong việc hình thành văn hóa Công ty, không ngừng học tập, sáng tạo, cần cù và chính trực. Chính sách nhân sự luôn được cải tiến để cán bộ nhân viên Coteccons có được môi trường làm việc tốt nhất.

Ngoài việc thường xuyên cải tiến các chế độ chính sách, Coteccons còn tập trung cho công tác đào tạo phát triển đội ngũ. Chúng tôi đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo, đi tiên phong trong việc chuẩn hóa năng lực cán bộ thông qua đào tạo nội bộ, kết hợp với nền tảng kiến thức quốc tế theo đúng 4 mảng chính là kiến thức kỹ thuật, kỹ năng quản lý, năng lực lãnh đạo và văn hóa doanh nghiệp.

Trung tâm đào tạo - Coteccons Academy (CTA) được ra đời nhằm hiện thực hóa mục tiêu đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ kế thừa đáp ứng nhu cầu công việc và phù hợp với định hướng phát triển của Công ty. Trong năm 2018, CTA đã tổ chức đào tạo cho 2.843 nhân sự với 71 khóa đào tạo đã triển khai; hoàn thành tổng cộng 64.470 giờ đào tạo. Trong tương lai CTA sẽ phối hợp, hợp tác đào tạo với các thị trường nhân sự ngoài Coteccons.

Doanh nghiệp và nhu cầu phát triển bền vững ảnh 3
“Đầu tư theo chiều sâu, hướng đến sản xuất xanh và bền vững”

Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Vinatex

Hướng đến sản xuất xanh và bền vững, thời gian qua, các đơn vị trong Tập đoàn đã tập trung áp dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, các đơn vị tích cực đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến kết hợp với quản trị tốt góp phần tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tập đoàn.

Năm 2018, Vinatex không có dự án đầu tư mới mà chỉ đầu tư theo chiều sâu với việc thay thế máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu bằng những máy móc, thiết bị mới có công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, những khâu sản xuất nào đang sử dụng quá nhiều lao động, Vinatex sẽ sử dụng các thiết bị thay thế nhằm tăng năng suất.

Năm 2019, Vinatex tiếp tục đẩy mạnh đầu tư theo chiều sâu để cải tiến điều kiện làm việc cho người lao động cũng như tăng năng suất, hạ chi phí lao động trên một sản phẩm, giảm bớt những nhân sự trong những khâu không thực sự cần thiết. Song song với đầu tư theo chiều sâu, Vinatex đặt trọng tâm chăm sóc cho đội ngũ lao động cả về điều kiện làm việc với thu nhập, tăng thêm giá trị văn hóa tinh thần để bảo toàn lao động lành nghề.

Doanh nghiệp và nhu cầu phát triển bền vững ảnh 4
“Đề cao lương tâm và tri thức của người xây dựng”

Ông Trần Nhật Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng DELTA

DELTA đã có 26 năm xây dựng và phát triển thương hiệu trong ngành xây dựng Việt Nam và đó cũng là khoảng thời gian chúng tôi nỗ lực tạo dựng chữ tín đối với khách hàng bằng chất lượng của các công trình chúng tôi đã xây dựng dù lớn hay nhỏ.

DELTA đặt ra sứ mệnh là xây dựng những công trình vượt lên trên sự mong đợi của khách hàng, do đó chúng tôi đề cao lương tâm và tri thức của người xây dựng. “Xây dựng bằng lương tâm và tri thức” không chỉ là triết lý kinh doanh của Tập đoàn mà đó còn là mục tiêu để phát triển, là chìa khóa để thành công và hoàn thiện mỗi cá nhân cùng cả doanh nghiệp.

Với mỗi dự án, từng thành viên của Tập đoàn luôn xác định làm sao để mỗi công trình khi đến tay người sử dụng đều nhận được sự tin tưởng và yên tâm khi biết nhà thầu thi công mang thương hiệu DELTA. Bên cạnh đó, DELTA cũng luôn là nhà thầu tiên phong ứng dụng những giải pháp mới, hay học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm từ những chuyên gia nước ngoài, DELTA không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng, đem lại  lợi ích kinh tế cho chủ đầu tư, đóng góp cho xã hội.

Doanh nghiệp và nhu cầu phát triển bền vững ảnh 5
“Chinh phục thế giới số bằng đam mê, sáng tạo và chuyên nghiệp”

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Công nghệ CMC

Trong chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển, với tình yêu và niềm đam mê, Tập đoàn Công nghệ CMC đã không ngừng phấn đấu, không ngừng sáng tạo và đổi mới trong nghiên cứu ứng dụng giải pháp công nghệ cao; luôn hướng đến sự chuyên nghiệp, hoàn thiện trong từng sản phẩm.

Thực tế cho thấy, thành công chỉ đến khi chúng ta thực sự đam mê, khát khao cháy bỏng. Chính vì thế, Tập đoàn Công nghệ CMC chúng tôi chọn khẩu hiệu “Đam mê chinh phục thế giới số” như mệnh lệnh, như chương trình hành động thúc đẩy nhằm biến CMC thành tập đoàn công nghệ dẫn đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Chúng tôi ý thức rất rõ rằng, chỉ có chuyển đổi số thành công thì CMC mới tạo được sự đột phá trong tương lai, mới có thể kỳ vọng về một ngày được ghi danh như một cái tên hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thế giới.

Chiến lược của Tập đoàn Công nghệ CMC trong thời gian tới là tiếp tục đầu tư và phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi (ICT - công nghệ thông tin và truyền thông); đồng thời mở rộng sang thị trường châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản để trở thành một tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực ICT, có năng lực cạnh tranh trên khu vực và thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp và nhu cầu phát triển bền vững ảnh 6
“Hoạt động minh bạch và quan tâm phát triển con người”

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Cienco4

Trong chặng đường 56 năm xây dựng và phát triển thương hiệu riêng của mình, Cienco4 luôn chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, lấy đó làm nòng cốt cho sự phát triển bền vững. Trong quản lý điều hành, chúng tôi đề cao yếu tố minh bạch, quan tâm bồi dưỡng, phát triển và đảm bảo những quyền lợi thiết thực cho người lao động. Nhiều năm nay, Cienco4 đã đưa hàng trăm kỹ sư, công nhân kỹ thuật của Tập đoàn ra nước ngoài học tập kinh nghiệm, kiến thức để áp dụng vào các dự án, công trình lớn của Việt Nam trong tương lai.

Chúng tôi và các đối tác luôn mong muốn các cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý ở Việt Nam ổn định, nhất quán để chúng tôi yên tâm, mạnh dạn đầu tư. Sự nhất quán trong chính sách, khuôn pháp lý của Nhà nước sẽ tạo ra hấp lực mạnh mẽ đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng như đầu tư trong nước, vun đắp niềm tin để doanh nghiệp “an cư lạc nghiệp”, yên tâm mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, hoạt động minh bạch, xây dựng uy tín, thương hiệu ngày càng vững mạnh.

Doanh nghiệp và nhu cầu phát triển bền vững ảnh 7
“Không bao giờ xa rời thiên nhiên”

Ông Trịnh Xuân Vương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược phẩm OPC

Với OPC, sản phẩm chủ lực được bào chế từ thảo dược, trên nền tảng bài thuốc cổ truyền phương Đông, kết hợp với công nghệ tiên tiến hiện đại nhằm tối ưu hóa chất lượng, giá cả sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người tiêu dùng. Sản phẩm của OPC hướng tới mục tiêu mang hương vị, hơi thở thiên nhiên vào tâm hồn, cuộc sống hàng ngày.

Bất cứ một doanh nghiệp hay tổ chức nào trong quá trình hoạt động và phát triển đều phải đổi mới, nếu không đổi mới có nghĩa sẽ tụt hậu và dần bị thay thế. OPC cũng không phải là ngoại lệ. Để có được như ngày hôm nay, chúng tôi phải không ngừng đổi mới trong hơn 40 năm qua. Đến nay, OPC đã hoàn toàn chủ động thị trường nội địa với hệ thống chi nhánh, cửa hàng trên toàn quốc. OPC còn sở hữu hai nhà máy dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP-WHO tại Bình Dương và Bắc Giang. Nhưng dù thế nào, chiến lược “dược phẩm thiên nhiên” của OPC sẽ không bao giờ thay đổi.

Một số doanh nghiệp dược Việt Nam hiện đã đạt trình độ công nghệ sản xuất ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Chúng tôi có niềm tin ngành dược Việt Nam đang vươn mình lớn mạnh và chắc chắn, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp sẽ đóng góp nhiều hơn cho công cuộc bảo vệ, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Doanh nghiệp và nhu cầu phát triển bền vững ảnh 8
“Phát triển bền vững là kết quả của một quá trình nỗ lực của doanh nghiệp”

Bà Lê Thị Bình, Tổng giám đốc Công TNHH Sản xuất và Thương mại dược phẩm Tâm Bình

Năm 2018 là năm đầu tiên Công ty được bình chọn vào Top 100 doanh nghiệp bền vững. Đây không phải là kết quả ngày một ngày hai mà là sự nỗ lực của cả Công ty ngay từ những ngày đầu hoạt động cho đến nay.

Chúng tôi là doanh nghiệp tư nhân muốn làm chuyên nghiệp và có mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, trong suốt 8 năm qua, bên cạnh việc duy trì tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng, quản trị dựa trên ứng dụng công nghệ, Công ty luôn chú trọng nâng cao đời sống của người lao động, đảm bảo mức thu nhập trung bình tăng đều qua các năm. Đến nay, thu nhập trung bình của người lao động tại Công ty đạt gần 10 triệu đồng/tháng.

Trong thời gian tới, chúng tôi dự kiến mở rộng thêm nhiều mặt hàng, sản phẩm tốt để chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng từ những bài thuốc hay, bài thuốc quý. Công ty sẽ xây thêm một nhà máy với quy mô 100 tỷ đồng để có thể sản xuất thêm nhiều sản phẩm mới.

Doanh nghiệp và nhu cầu phát triển bền vững ảnh 9
“Hỗ trợ nâng cao năng lực cho chuỗi giá trị trong nước”

Bà Lê Từ Cẩm Ly, Giám đốc Đối ngoại và Pháp lý của Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam

Trong gần 25 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, Coca-Cola luôn không ngừng củng cố vị thế của mình như một đối tác đồng hành quan trọng và đáng tin cậy. Phát triển bền vững dựa trên giá trị cốt lõi “Thương hiệu toàn cầu, am hiểu địa phương”, chúng tôi không ngừng nghiên cứu, cải tiến công thức để cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu và phong cách sống đa dạng của người tiêu dùng Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, Coca-Cola đã và đang hỗ trợ nâng cao năng lực cho chuỗi giá trị trong nước để gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Minh chứng cho điều này, 80% các nhà cung cấp của chúng tôi đều là doanh nghiệp Việt Nam, tương ứng 70% giá vốn hàng bán đến từ nguồn cung ứng địa phương. Song song đó, những chương trình hướng đến cộng đồng như: nước sạch cho cộng đồng, nâng cao năng lực phụ nữ địa phương, thu gom và tái chế rác thải... vẫn được Coca-Cola cùng với các tổ chức phi chính phủ, chính quyền địa phương thực hiện nhằm mang lại những thay đổi tích cực cho người dân cả nước.

Doanh nghiệp và nhu cầu phát triển bền vững ảnh 10
“Chính sách nhân sự là ưu tiên hàng đầu”

Ông Shoeib Reza Choudhury, Tổng giám đốc DHL-VNPT Express

DHL Express đặt triết lý kinh doanh gói gọn trong hai từ: Tôn trọng và Kết quả. Điều này có nghĩa là DHL Express cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng để thúc đẩy hiệu quả của hoạt động khai thác và tài chính, đồng thời tôn trọng tất cả các bên liên quan bao gồm nhân viên, khách hàng và cộng đồng. Với triết lý này, DHL Express cố gắng trở thành nhà cung cấp dịch vụ được lựa chọn, nhà đầu tư được lựa chọn và nhà tuyển dụng được lựa chọn, đồng thời thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội.

Là công ty mang tính toàn cầu nhất thế giới, hoạt động khai thác của chúng tôi nghiêm ngặt tuân theo các quy trình toàn cầu. Chúng tôi hiểu rằng trung tâm của tất cả các quy trình chính là đội ngũ nhân viên. Do đó, DHL Express luôn chú trọng cung cấp cho nhân viên môi trường làm việc tốt nhất, trao quyền cho nhân viên và phát triển tiềm năng của họ. Chúng tôi cũng triển khai các chương trình đào tạo cho nhân viên của mình để tạo ra ý thức cộng đồng mạnh mẽ, từ đó có thể kết hợp chất lượng sản phẩm tốt nhất với chất lượng dịch vụ tuyệt hảo.

Doanh nghiệp và nhu cầu phát triển bền vững ảnh 11
“Phát triển bền vững gắn với sự phát triển đường dài của doanh nghiệp”

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vicostone

Đối với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, có những doanh nghiệp sẽ không làm hết được, cho nên doanh nghiệp sẽ chọn những tiêu chí chủ lực, phù hợp với mình để đẩy mạnh.

Riêng đối với Vicostone, Công ty luôn xác định phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng, gắn với sự phát triển đường dài của doanh nghiệp. Từ đó, Công ty bố trí nguồn lực, đề ra chiến lược rõ ràng, dài hơi để chủ động nguyên vật liệu đầu vào, đầu tư công nghệ, tối ưu hóa việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nhất các nguồn lực mà Công ty có về năng lượng, đất, nước...

Trong quá trình sản xuất, Công ty luôn chú ý tới các yếu tố xanh như sử dụng nguyên liệu xanh, sản xuất xanh và tạo ra sản phẩm xanh, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Thị trường của Vicostone 89% là xuất khẩu, chủ yếu là thị trường Mỹ, Canada và một phần châu Âu... Các nhà đầu tư, đối tác chỉ gửi gắm niềm tin khi nhìn vào chiến lược phát triển của Công ty, thể hiện thông qua báo cáo tài chính, báo cáo phát triển bền vững và các bước đi trong tương lai của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp và nhu cầu phát triển bền vững ảnh 12
“Tập trung đầu tư vào chiều sâu”

Ông Võ Văn Lãnh, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng 3-2

Chúng tôi đang đa dạng hóa ngành nghề dựa trên những thế mạnh vốn có, không đầu tư dàn trải. Chúng tôi nỗ lực tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính của Công ty là xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển thêm một số sản phẩm cùng ngành nghề. Củng cố xây dựng và phát triển thị trường hiệu quả, trong đó vẫn tập trung vào nhóm công trình vốn công. Đầu tư phát triển nguồn mỏ mới, đầu tư máy móc thiết bị, tối ưu hóa năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu phát triển dài hạn của thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh. Củng cố và nâng cao năng lực quản lý sản xuất, tăng cường phát triển nguồn nhân lực nhằm tối ưu hóa hệ thống quản lý của Công ty.

Công ty sẽ cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định bền vững qua các năm. Đồng thời, tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, phát triển và mở rộng liên doanh, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để phát triển Công ty thành doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng và thi công xây lắp.

Doanh nghiệp và nhu cầu phát triển bền vững ảnh 13
“Phát triển bền vững là tiền đề để xây dựng thương hiệu”

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG

Khi làm việc với nhà đầu tư nước ngoài, điều đầu tiên mà họ quan tâm là doanh nghiệp đó có phát triển bền vững hay không. Phát triển bền vững bao hàm cả trách nhiệm với người lao động, với khách hàng và với xã hội. Phát triển bền vững là tiền đề để xây dựng thương hiệu.

Tuy nhiên, việc xây dựng được một thương hiệu là cả một quá trình. Ngành thời trang là một ngành khá đặc thù, mẫu mã thay đổi liên tục, thị hiếu rất ngặt nghèo, đòi hỏi doanh nghiệp phải bỏ ra công sức rất lớn. Muốn đầu tư cho ra tấm, ra món, thì phải có chiến lược dài hạn, phải “ăn nằm” với thời trang.

Có một thời kỳ, doanh nghiệp nào cũng muốn đầu tư đa ngành, nhưng TNG vẫn chỉ theo đuổi ngành may, kiên trì hơn 25 năm. Đến nay, thương hiệu của TNG đã được khẳng định, đứng trong top 5 doanh nghiệp xuất khẩu, với chuỗi cửa hàng tại 43 tỉnh, thành phố, dự kiến phủ kín 63 tỉnh thành đến năm 2020 và có văn phòng ở nước ngoài. Đến nay, tổng số lao động của Công ty lên tới 16.000 lao động. Sắp tới, TNG sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu, đấu giá cổ phiếu để huy động vốn, tăng vốn nhằm mở rộng thêm nhiều nhà máy và tạo nhiều công ăn việc làm hơn nữa.

Chuyên đề