Doanh nghiệp tư nhân lớn và thách thức dẫn dắt tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gần 160 doanh nghiệp (DN) tư nhân rời khỏi bảng xếp hạng 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam sau 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, trong khi Việt Nam vẫn vắng bóng DN tư nhân lớn, đạt tầm cỡ thế giới. Giới nghiên cứu cho rằng, cần có những chính sách cụ thể hơn để xây dựng lực lượng DN tư nhân lớn, phát triển ổn định, chống chịu được các cú sốc từ bên ngoài và làm tăng hiệu quả của nền kinh tế.
Các chính sách trong thời gian tới cần được hoàn thiện theo hướng không chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường mà còn giúp doanh nghiệp sống sót và tăng trưởng. Ảnh: Lê Tiên
Các chính sách trong thời gian tới cần được hoàn thiện theo hướng không chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường mà còn giúp doanh nghiệp sống sót và tăng trưởng. Ảnh: Lê Tiên

Đây là vấn đề được đặt ra từ Báo cáo đánh giá 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam 2023 (VPE500) do Viện Chiến lược phát triển (VIDS) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) Việt Nam công bố ngày 31/8.

Theo ông Florian Constatin Feyerabend, Trưởng đại diện Viện KAS tại Việt Nam, dấu ấn của DN tư nhân trong bức tranh kinh tế Việt Nam ngày càng rõ nét. Trong nền kinh tế toàn cầu đầy biến động hiện nay, khu vực tư nhân đã và đang góp phần duy trì nền kinh tế Việt Nam, tạo ra 57,8% tổng doanh thu thuần của DN tính đến cuối năm 2021. Trong khu vực tư nhân, các DN lớn nhất trong nước có thể được coi là lực lượng dẫn đầu thị trường và có ảnh hưởng đến nền kinh tế. Hiệu quả hoạt động của những DN này phản ánh sức khỏe của toàn bộ nền kinh tế. Trên thế giới, việc sử dụng chỉ số của các DN lớn để đại diện cho hiệu quả hoạt động của một ngành và thể hiện sức khỏe của nền kinh tế khá phổ biến.

Theo VPE500, tại thời điểm 31/12/2021, Việt Nam có 694,2 nghìn DN tư nhân trong nước, chiếm 96,6% tổng số DN đang hoạt động, thu hút 58,1% số lao động, chiếm 59,3% tài sản và tạo ra 57,8% tổng doanh thu thuần của DN nói chung.

Vào cuối năm 2021, chỉ có 0,22% số DN có quy mô từ 500 lao động trở lên, thấp hơn tỷ lệ chung 0,52% cũng như 8,29% của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 19,52% của DN nhà nước.

So sánh giữa 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19 và 1 năm trước đó, Nhóm nghiên cứu VPE500 nhận thấy, có biến động khá lớn về số DN ra, vào trong danh sách VPE500. Năm 2020 có tới 97/500 DN (19,4%) không còn trong xếp hạng VPE500 của năm 2019. Đến năm 2021, tiếp tục có 61 DN nữa rời khỏi bảng xếp hạng, nâng tổng số DN rời đi sau 2 năm lên tới 158 DN, tương ứng 31,6%, tập trung vào các nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng như bất động sản và xây dựng, thương mại, dệt may, chế biến thực phẩm.

Đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng ban Ban Quốc tế thuộc VIDS cho biết, phân tích về VPE500 và quan hệ với DN tư nhân trong nước nói chung cho thấy, các chính sách với DN trong thời gian tới cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng không chỉ tạo thuận lợi với DN trong gia nhập thị trường mà còn giúp DN sống sót và tăng trưởng. Đặc biệt, khuyến khích các DN lớn đầu tư để cải tạo năng suất, chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu.

Cùng với đó, Chính phủ có chính sách kinh tế thúc đẩy liên kết DN, khuyến khích DN lớn, DN nhà nước, DN FDI liên doanh, liên kết với các DN nhỏ và vừa trong nước. Đồng thời, nâng cao năng lực DN tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; cần khuyến khích và tạo phong trào để từng địa phương xây dựng được các DN tư nhân hàng đầu của mình dựa trên những lợi thế địa phương và vươn tầm hoạt động trên phạm vi cả nước.

TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp thuộc Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần nghiên cứu sâu hơn về các DN tư nhân lớn, xem họ cần gì để mở rộng và phát triển, tạo điều kiện để họ tham gia mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực có tính dẫn dắt thị trường và nền kinh tế, từ đó, đưa ra các kiến nghị cụ thể với Chính phủ.

Từ góc độ khác, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, để có lực lượng DN tư nhân lớn mạnh và trường sức trong cạnh tranh, đòi hỏi hành động cả từ phía Nhà nước và chính bản thân mỗi DN. Đối với Nhà nước, đó là tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng và thúc đẩy phát triển; đối với DN là nâng cao kỹ năng, trình độ kinh doanh và quản trị công ty tốt - những việc mà đôi khi Nhà nước không thể làm thay DN. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cải cách hành chính trở nên ngày càng quan trọng, không chỉ nhằm cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính mà còn hướng tới cắt giảm chi phí tuân thủ phát sinh từ các quy định pháp luật cho DN.

Chuyên đề