Tôn mạ màu Việt có lợi thế cạnh tranh hơn sau quyết định nhập khẩu có hạn ngạch của Bộ Công Thương. |
Ngày 31/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 1931/QĐ-BCT về áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng tôn màu nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo đó, Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ chính thức bằng hạn ngạch thuế quan đối với tôn màu nhập khẩu vào Việt Nam trong 3 năm kể từ ngày Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ có hiệu lực.
Bộ Công Thương cho biết, theo Hiệp định Tự vệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), lượng hạn ngạch nhập khẩu sẽ không chịu thuế tự vệ, tức thuế tự vệ bằng 0%.
Cụ thể trong năm đầu tiên (từ tháng 6/2017 - 6/2018), tổng hạn ngạch tôn mạ màu nhập khẩu với thuế suất 0% là 380.679 tấn, ngoài mức hạn ngạch trên sẽ phải chịu thuế 19%. Nước có hạn ngạch lớn nhất là Trung Quốc.
Năm thứ 2 (từ tháng 6/2018 - 6/2019) mức hạn ngạch được nâng lên 418.747 tấn, năm thứ ba (tháng 6/2019 -6/2020) hạn ngạch nâng tiếp lên 460.622 tấn. Năm thứ 4 (từ 6/2020 trở đi), mức hạn ngạch xoá bỏ, thuế suất áp dụng là 0%.
Các quốc gia được áp dụng hạn ngạch lớn nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc và một số thị trường khác. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ có quyết định miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ của các công ty trực tiếp sử dụng các mặt hàng tôn màu chất lượng cao.
Bộ Công Thương quy định miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ đối với tôn màu chất lượng cao, việc nhập khẩu tôn màu và các thủ tục hải quan chỉ được thực hiện tại các cảng tại Tp. Hải Phòng và Tp. HCM.
Tôn màu có xuất xứ từ tất cả các nước/vùng lãnh thổ khi nhập khẩu vào Việt Nam tại các cảng còn lại chịu mức thuế tự vệ ngoài hạn ngạch.
Các lô hàng tôn màu không có giấy chứng nhận xuất xứ khi nhập khẩu vào Việt Nam sẽ chịu mức thuế tự vệ ngoài hạn ngạch.
Đây được cho là quyết định có lợi cho nhiều doanh nghiệp sản xuất tôn mạ trong nước trước áp lực cạnh tranh từ hàng ngoại nhập, đặc biệt từ Trung Quốc.
Trước đó, ngày 06/7/2016, Bộ Công Thương đã quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định tại Pháp lệnh về tự vệ sau khi xem xét hồ sơ yêu cầu của Công ty luật hợp danh Nghiêm và Chính đại diện cho nhóm các công ty: Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim và Công ty Cổ phần Tôn Đông Á.