Tháng 11/2022, lần đầu tiên kể từ đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu thủy sản rơi xuống mức âm (giảm trên 14%) so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa: Lê Tiên |
Tháng 11/2022, Công ty CP Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu xuất khẩu giảm 10% so với cùng kỳ 2021, về mức 893 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu cá tra giảm 22%, về 480 tỷ đồng; doanh thu bánh phồng tôm giảm 66%, về 21 tỷ đồng; các sản phẩm khác tăng 16%, lên 202 tỷ đồng.
Hoạt động xuất khẩu của Vĩnh Hoàn có dấu hiệu khó khăn khi thị trường chủ lực là Mỹ ghi nhận doanh thu tháng 11 giảm 13% so với cùng kỳ 2021, về 361 tỷ đồng; châu Âu giảm 20%, về 111 tỷ đồng; Trung Quốc giảm 60%, về 63 tỷ đồng. Ngược lại, thị trường trong nước tăng 17% so với cùng kỳ 2021, lên 230 tỷ đồng và các thị trường khác tăng 47%, lên 129 tỷ đồng.
Nếu so với tháng 10/2022, doanh thu tháng 11 của Vĩnh Hoàn đã giảm 13%. Trong đó, thị trường Mỹ giảm 12%, thị trường châu Âu giảm 15%, thị trường Việt Nam giảm 14%, thị trường Trung Quốc tăng 11% và các thị trường khác giảm 21%.
Lũy kế 11 tháng đầu năm nay, doanh thu của Vĩnh Hoàn đạt 12.740 tỷ đồng, tăng trưởng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đã giảm đi đáng kể nếu đặt cạnh mức tăng trưởng 75% của doanh thu tính trong 8 tháng đầu năm 2022.
Doanh nghiệp thủy sản khác là FIMEX cho biết, doanh thu 11 tháng đầu năm đạt 215 triệu USD, tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại khi kết quả 8 tháng tăng tới 21,8% (đạt 161,9 triệu USD). Càng về cuối năm, các thị trường xuất khẩu quen thuộc của doanh nghiệp thủy sản nước ta càng có dấu hiệu im ắng, chưa kể sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh với tôm giá rẻ từ một số nước khác.
Chia sẻ với báo chí, TS. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT FIMEX cho biết, không ít doanh nghiệp thủy sản đang rơi vào tình trạng bị đối tác hoãn hoặc hủy một số đơn hàng đã ký kết, thỏa thuận; chậm trễ trong việc trao đổi kế hoạch kinh doanh năm sau. Theo đó, giải pháp không ai mong muốn là phải chấp nhận giảm giá, chấp nhận bán rẻ để có sự luân chuyển dòng tiền. Ông Lực cho rằng, đó là “vòng tròn đi xuống”, khó khăn tài chính sẽ tránh được chút vướng mắc trước mắt, nhưng hệ quả thì khó lường, khi lạm phát và cạnh tranh quốc tế chưa thấy hồi kết.
Trong bức tranh chung của ngành thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kể từ tháng 7/2022 đến nay, nhu cầu thị trường tụt dốc khiến tăng trưởng xuất khẩu thủy sản chậm lại, thể hiện rõ nhất ở kết quả quý IV. Tính chung 11 tháng, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, sau khi duy trì ở mức trên 1 tỷ USD liên tiếp từ tháng 3 tới tháng 6, từ tháng 7 đến nay kim ngạch xuất khẩu đã giảm dưới 1 tỷ USD. Tháng 11/2022, lần đầu tiên kể từ đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu thủy sản rơi xuống mức âm (giảm trên 14%) so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 780 triệu USD. Đà giảm này do xuất khẩu tôm, cộng với xuất khẩu cá tra, cá ngừ cũng đều giảm mạnh, từ 20% đến 26% so với cùng kỳ năm 2021.
Không riêng thủy sản, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu khác như gỗ, giày da, may mặc… cũng trong hoàn cảnh tương tự. Nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng trầm trọng, dẫn đến phải cắt giảm lao động. Cái khó cho doanh nghiệp không đơn thuần là đơn hàng, mà là việc làm, là thu nhập cho hàng nghìn người lao động khi Tết đang gõ cửa. Các doanh nghiệp có nguồn vốn chủ sở hữu lớn có thể khó khăn chỉ dừng ở đây. Các doanh nghiệp thiếu vốn, lệ thuộc vốn vay ngân hàng thì khó khăn gấp bội. Giữa tháng 11/2022, Công ty CP Nam Việt đã phải lùi thời gian chi trả cổ tức năm 2021 bằng tiền tỷ lệ 10% từ ngày 1/12/2022 sang ngày 27/4/2023. Doanh nghiệp này hiện chưa công bố tình hình kinh doanh các tháng cuối năm.