Doanh nghiệp thủy sản thắng lớn nửa đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sản lượng và giá bán đều tăng là động lực giúp doanh nghiệp thủy sản báo lãi tăng mạnh quý II và nửa đầu năm nay. Trong số đó, có một số đơn vị lập kỷ lục mới về lợi nhuận.
Trong 6 tháng đầu năm, ngành thủy sản đã thu về 5,7 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Tiên Giang
Trong 6 tháng đầu năm, ngành thủy sản đã thu về 5,7 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Tiên Giang

Theo số liệu của Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản ghi nhận nhiều mốc kỷ lục về doanh số, kỷ lục về tăng trưởng trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ các năm trước. Cụ thể, ngành thủy sản đã thu về 5,7 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó phải kể đến kỷ lục của mặt hàng cá tra với doanh số 1,4 tỷ USD, tăng 82%. Mặt hàng tôm xuất khẩu vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất (40%) với gần 2,3 tỷ USD. Các mặt hàng hải sản dù khó khăn về nguyên liệu vẫn giữ được tăng trưởng từ 12 - 55% so với cùng kỳ năm trước, mang về trên 2 tỷ USD.

Bối cảnh thuận lợi giúp hàng loạt doanh nghiệp thủy sản báo lãi tăng mạnh trong quý II và nửa đầu năm, có đơn vị lập kỷ lục mới. Trong đó phải kể đến Công ty CP Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu hợp nhất quý II đạt 4.226 tỷ đồng, tăng 80,4%. Lợi nhuận sau thuế đạt 784 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước và thiết lập kỷ lục mới. Nửa đầu năm, Vĩnh Hoàn lãi ròng 1.332 tỷ đồng, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Theo doanh nghiệp, sản lượng và giá bán đều tăng là động lực giúp lợi nhuận quý II cũng như nửa đầu năm tăng cao. Hầu hết thị trường xuất khẩu chính của Vĩnh Hoàn đều phục hồi tốt trong nửa đầu năm, đặc biệt là Mỹ. Giá xuất khẩu cá tra vào Mỹ cũng lập đỉnh 5 USD/kg, cao hơn gần 2 USD có với cùng kỳ năm trước.

Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia IDI cũng ghi nhận kết quả kinh doanh quý II/2022 kỷ lục với 2.385 tỷ đồng doanh thu, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi chi phí giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 429,4 tỷ đồng, tăng trưởng tới 198%. Lợi nhuận sau thuế của IDI đạt 229,4 tỷ đồng, gấp 8,5 lần cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt 430,8 tỷ đồng, gấp gần 9 lần cùng kỳ năm 2021.

Biên lợi nhuận gộp tăng cao là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp thủy sản lãi lớn trong quý II và nửa đầu năm nay. Nếu như trong quý II/2021, cứ 100 đồng doanh thu mang về 13 đồng lãi gộp cho Công ty CP Nam Việt thì quý II/2022, con số này lên tới hơn 35 đồng. Nhờ đó, Nam Việt ghi nhận mức lãi ròng gấp 10 lần cùng kỳ 2021, đạt gần 241 tỷ đồng dù doanh thu chỉ tăng thêm 20%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Nam Việt ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 447 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ năm 2021.

Một loạt doanh nghiệp khác như Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre… đều ghi nhận mức lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh.

Theo Công ty CP Chứng khoán SSI, hầu hết các công ty thủy sản cho biết tồn kho tại các thị trường xuất khẩu (đặc biệt là Mỹ) đã đạt mức cao do khối lượng nhập khẩu cao trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5/2022. Cùng với việc vào mùa thủy sản thấp điểm, các công ty dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý III/2022. Bất chấp áp lực lạm phát, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vẫn kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng nhanh trong tháng 9, ngay trước kỳ nghỉ lễ từ tháng 11 đến tháng 12. Mặt khác vì giá bán bình quân của tôm thẻ chân trắng Việt Nam hiện đã cao hơn Ấn Độ và Ecuador tại thị trường Hoa Kỳ, nên các doanh nghiệp xuất khẩu khó có thể giữ giá bán bình quân của tôm cao như mức giá nửa đầu năm nay.

Chuyên đề