Nhiều doanh nghiệp chưa biết đến quy định mới
Có mặt tại cuộc đối thoại giữa các doanh nghiệp với đại diện các Bộ, ngành, do VBA tổ chức tại Bộ Công thương sáng 16/3/2016, đại diện Công ty bia San Miguel Việt Nam cho biết, Nghị định 108/2015/NĐ-CP và Thông tư số 195/2015/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định này đều ban hành vào cuối năm 2015, trước thời điểm thi hành 1-2 tháng, nên có những doanh nghiệp còn không biết đến sự tồn tại của các văn bản mới này.
Doanh nghiệp này băn khoăn, bất cứ một quy định mới nào, cần phải có khoảng thời gian đủ để doanh nghiệp chuẩn bị thực hiện, thậm chí là phản hồi những vấn đề chưa ổn, bởi vậy, cân nhắc lùi thời hạn áp dụng quy định mới về thuế TTĐB là điều doanh nghiệp mong nhận được tại thời điểm này.
Không chỉ nói nhiều về thời điểm áp dụng, cách xác định giá tính thuế mới cũng là một vấn đề được các doanh nghiệp “kêu” nhiều hơn cả.
Theo VBA, về cơ bản, giá tính thuế TTĐB vẫn là giá bán ra của cơ sở sản xuất, nhưng Nghị định 108 và Thông tư 195 có thêm quy định “Giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế TTĐB bán ra, nhưng không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân trong tháng của cùng loại sản phẩm do các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra”…
Quy định mới cũng buộc cơ sở kinh doanh thương mại không có quan hệ với công ty mẹ, công ty con hoặc công ty trong cùng công ty mẹ với cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất…
Ông Nguyễn Hồng Linh, Tổng giám đốc Habeco cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu rượu không thể bắt buộc hay đảm bảo được mức giá bán ra của các công ty phân phối trong cùng hệ thống không cao hơn 7% mức giá bán ra. Trong khi đó, đặc thù của ngành đồ uống là giá bán ra thị trường thay đổi theo mùa vụ, nên không thể đưa ra được một mức giá bán cố định.
“Nếu quy định mức chênh lệch giá 7% như Nghị định 108 sẽ tạo ra một thủ tục hành chính phức tạp cho doanh nghiệp và cơ quan thuế trong việc thực thi. DN còn gặp nhiều rủi ro về thanh tra thuế, bị áp giá tính thuế, truy thu thuế…”, ông Linh nhấn mạnh.
Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), một trong 4 ông lớn trong ngành cũng “phản pháo” rằng, quy định ở Nghị định 108 và Thông tư 195 sẽ làm tăng chi phí với các công ty thương mại, gây cản trở cho các doanh nghiệp thương mại trong việc nâng cao hiệu quả kinh doanh, làm tốt khâu tiêu thụ sản phẩm.
“Đề xuất giữ nguyên cách xác định giá tính thuế TTĐB là giá bán ra của cơ sở sản xuất như quy định tại Luật thuế TTĐB hiện hành trong cả 2 trường hợp: cơ sở sản xuất bán hàng qua các cơ sở kinh doanh thương mại có quan hệ công ty mẹ, công ty con với cơ sở sản xuất và cơ sở sản xuất bán hàng thông qua các cơ sở kinh doanh thương mại độc lập”, ông Lê Hồng Xanh, Phó tổng giám đốc Sabeco bày tỏ quan điểm.
Ở cương vị đại diện doanh nghiệp, VBA cũng đề nghị giữ nguyên mức chênh lệch 10% giá bán tại cơ sở thương mại như trước đây.
Tăng trưởng ngành bia đang chậm lại
Thống kê của VBA, 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của ngành bia đã giảm đi trông thấy. Nếu như năm 2011, tốc độ tăng trưởng đạt 8,5% thì năm 2015 chỉ đạt 4,7%, tuy vẫn tăng nhưng thị trường đã có sự bão hoà.
Trong đó, 4 doanh nghiệp sản xuất bia lớn là Sabeco, Heineken, Habeco và Carlsberg đã chiếm 88,4% sản lượng bia toàn ngành.
Đối với ngành rượu, tổng sản lượng rượu công nghiệp năm 2014 đạt 67 triệu lít, hầu như không tăng so với năm 2013 (66,8 triệu lít). Rượu phi thương mại, khó kiểm soát được còn phổ biến, ước tính đạt tới 200 triệu lít, gấp 3 lần rượu công nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho hay, tốc độ tăng trưởng của ngành bia dù vẫn tăng nhưng đã giảm dần, nếu các chính sách mới của Nhà nước được ban hành, áp cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bia giúp thúc đẩy kinh doanh, tăng doanh thu thì không sao, ngược lại, chính sách chưa ổn, sẽ tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh, làm ảnh hưởng tới nguồn thu của ngân sách nhà nước trong thời gian tới.
Cho rằng quy định hiện hành từ Nghị định 108 và Thông tư 95 chắc chắn sẽ tác động đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, ngành và thị trường rất lớn, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị, cơ quan Nhà nước phải cân nhắc nhiều lợi ích khác nhau, đặc biệt không thể bỏ qua ý kiến của doanh nghiệp, đối tượng thực thi chính sách. Bất cứ thay đổi gì, doanh nghiệp thực hiện phải có sự chuẩn bị. Có nghĩa là việc đưa ra văn bản phải có thời gian và lộ trình thay đổi phù hợp, đưa ra nhanh quá có thể làm cho doanh nghiệp đối diện với nguy cơ thua lỗ lớn.
Bởi vậy, các doanh nghiệp đồ uống đều kiến nghị được lùi thời gian thực hiện Nghị định 108 và Thông tư 195 đến ngày 1/1/2017 để họ có đủ thời gian chuẩn bị và điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh.