Sắt thép là 1 trong 6 ngành hàng đầu tiên của Việt Nam chịu tác động từ cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh châu Âu áp dụng với hàng nhập khẩu. Ảnh: Tường Lâm |
Thách thức xanh hóa
Trong một cuộc hội thảo về xúc tiến xuất khẩu (XK) xanh diễn ra mới đây, TS. Nguyễn Phương Nam, chuyên gia đánh giá quốc tế của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) nhấn mạnh, câu chuyện xanh hóa sản xuất đang là cuộc cạnh tranh sống còn của doanh nghiệp (DN), nhất là những DN xuất khẩu. Muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, DN chỉ có con đường “xanh hóa” sản xuất.
Theo ông Nam, kể từ ngày 1/10/2023 đến hết tháng 12/2025, CBAM của EU đã chính thức bước vào giai đoạn chuyển tiếp. Sắt thép là một trong 6 ngành hàng đầu tiên của Việt Nam chịu tác động của CBAM trong giai đoạn đầu này. Theo đó, các nhà XK thép vào EU sẽ phải báo cáo lượng hàng hóa chịu tác động của CBAM và lượng phát thải đi kèm trong quá trình sản xuất hàng hóa. Sau giai đoạn chuyển đổi này, từ năm 2026 - 2033 sẽ là giai đoạn triển khai, loại bỏ dần phân bổ miễn phí cho các đối tác thương mại và sau giai đoạn 2034, những DN nào không tuân thủ sẽ phải chịu 100% thuế phát thải carbon.
Việt Nam hiện là nước sản xuất thép thô đứng 13 thế giới, đứng hàng đầu Đông Nam Á. Với thị trường EU, 10 tháng đầu năm 2023, EU là thị trường XK sắt thép lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau ASEAN.
“Nếu các DN, cơ quan thương mại không chuẩn bị giải pháp ứng phó sẽ tác động tiêu cực đến XK thép của Việt Nam thời gian tới”, ông Nam cảnh báo.
Ông Nam cho biết, hiện các thị trường khác cũng đang rục rịch áp dụng các cơ chế tương tự như CBAM. Cụ thể, Mỹ có Dự luật S.4335 “Đạo luật cạnh tranh sạch”; Vương quốc Anh và Canada mặc dù chưa đưa ra dự thảo pháp lý chính thức nào nhưng các cuộc tham vấn đã được tiến hành giữa các bên liên quan nhằm thảo luận về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon...
Ngoài việc phải đối mặt với cầu thị trường suy giảm, ứng phó với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, theo ông Đinh Quốc Thái, Phó Chủ tịch VSA cho rằng, CBAM đặt ra thách thức đối với XK sắt thép Việt Nam vào thị trường EU, bởi mức phát thải trung bình của sắt thép Việt Nam khoảng 2,51 tấn CO2/1 tấn thép thô, trong khi mức trung bình của thế giới là 1,85 tấn CO2/1 tấn thép thô.
Làm gì để tăng trưởng bền vững?
Đứng trước các thách thức mới, ông Thái cho biết, xanh hóa sản xuất cũng là cơ hội cần nắm bắt để phát triển, chuyển đổi sang công nghệ hiện đại, hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh khi tham gia thị trường quốc tế. “Thép vẫn là vật liệu cơ bản của thế giới. Hiện tại, ngành có đầy đủ công nghệ hiện có trên thế giới: lò cao, lò thổi, lò điện, hoàn lưu trực tiếp, cơ bản phù hợp với các nhà nhập khẩu khó tính”, ông Thái cho biết.
Để nắm bắt cơ hội này, lãnh đạo VSA cho hay, ngành thép đang đưa ra lộ trình, trong đó, chuyển đổi xanh sẽ theo hai hướng chính: với lò cao tiếp tục cải tiến giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính (hiện nhiều nhà máy đã áp dụng tối ưu hóa nhiệt cốc); đối với dự án mới nghiên cứu áp dụng công nghệ mới sẽ sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để thay đổi dần quy trình công nghệ mới nhằm giảm phát thải.
Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho biết, Hòa Phát luôn quan tâm tối ưu hóa tất cả các khâu sản xuất theo hướng tuần hoàn, khép kín, tiết giảm tiêu hao năng lượng và xây dựng lộ trình phát triển thép xanh, giảm phát thải CO2 theo định hướng chung của Chính phủ, hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Hiện nay, Hòa Phát sử dụng nhiệt dư khí nóng lò cốc sản xuất điện; tận dụng cán nóng từ đúc sang cán sử dụng lò nung; sử dụng công nghệ tuabin thu hồi năng lượng gió lò cao... Trong tương lai, Tập đoàn sẽ thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng cách dùng nhiên liệu khí thiên nhiên để hoàn nguyên quặng sắt, áp dụng công nghệ đúc cán liên tục để giảm tiêu hao năng lượng, tiến tới không phát thải CO2...
Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cho biết, VNSTeel đang từng bước đầu tư lò điện để sản xuất thép nhằm giảm phát thải ra môi trường.
Lãnh đạo VSA kỳ vọng, nếu chú trọng chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh hóa, ngành sắt thép Việt Nam có thể “đi tắt đón đầu”, nắm bắt cơ hội tăng trưởng xanh.