Doanh nghiệp lỡ nhịp vì chậm hướng dẫn thực thi CPTPP

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau 2 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), từ góc độ bảo đảm sự tương thích của chính sách, pháp luật nội địa với các cam kết CPTPP, Việt Nam đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ theo các cam kết đã có hiệu lực tới thời điểm này và được triển khai khá nhanh chóng so với quy định nội địa. Tuy nhiên, phần lớn đều hoàn thành chậm hơn so với thời hạn cam kết, ảnh hưởng không ít tới việc tận dụng các cơ hội từ cam kết CPTPP của doanh nghiệp.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Liên quan tới việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các cam kết CPTPP, Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản như Nghị quyết số 72/2019/QH14 ngày 12/11/2019 phê chuẩn CPTPP và Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/1/2019 phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định. Theo đó, nhiệm vụ đặt ra trong 2 năm đầu thực thi Hiệp định là sửa đổi 5/7 luật theo cam kết CPTPP (bao gồm: Bộ luật Lao động, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật An toàn thực phẩm, Luật Phòng chống tham nhũng); sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới 6/7 nghị định (bao gồm các nghị định hướng dẫn Luật Cạnh tranh, Luật Đấu thầu; các nghị định về hàng dệt may, phòng vệ đặc biệt, xác minh xuất xứ với hàng hóa nhập khẩu, biểu thuế ưu đãi đặc biệt); xây dựng mới 2/2 thông tư (bao gồm: Thông tư hướng dẫn về CFS đối mới mỹ phẩm nhập khẩu và Thông tư về quy tắc xuất xứ); Tiến hành thủ tục gia nhập 1/6 Công ước, hiệp định quốc tế (công ước 98 ILO về áp dụng các nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể).

Việc rà soát, sửa đổi pháp luật theo CPTPP được kỳ vọng là đợt nội địa hóa các cam kết quốc tế lớn nhất mà Việt Nam thực hiện sau đợt gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007.

Theo Báo cáo Việt Nam sau 2 năm thực thi CPTPP từ góc nhìn doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Aus4Reform - Đại sứ quán Australia tại Việt Nam thực hiện được công bố mới đây, toàn bộ các văn bản đặt ra trong kế hoạch đều đã được triển khai sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới để thực thi CPTPP. Tổng cộng có 18 văn bản đã được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung. Mặc dù một số văn bản được quy định cho phép áp dụng hồi tố cho các giao dịch thực hiện trước đó (Nghị định số 57/2019/NĐ-CP ban hành Biểu thuế ưu đãi đặc biệt theo CPTPP), nhưng phần lớn các văn bản này đều được hoàn thành chậm hơn so với thời hạn cam kết tại CPTPP từ nửa tháng tới 20 tháng.

Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Trong khi đó, 2 thông tư của Bộ Công Thương quy định về nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan theo Hiệp định CPTPP và đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng theo Hiệp định CPTPP phải chờ đến đầu năm 2020 mới được ban hành; Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và an toàn lao động phải đến ngày 14/12/2020 mới được ban hành...

Công tác rà soát tính tương thích của pháp luật nội địa và chuẩn bị phương án điều chỉnh còn hạn chế, dẫn tới những khác biệt giữa kế hoạch thực thi CPTPP ban đầu với thực tiễn thực hiện (về loại văn bản, hình thức văn bản...).

Công tác chuẩn bị cho việc soạn thảo các văn bản thực thi Hiệp định, đặc biệt là các trường hợp văn bản xây dựng mới, dường như chưa được dự trù đầy đủ về thời gian. Trên thực tế, khoảng thời gian từ khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn CPTPP cho tới khi Hiệp định này có hiệu lực chỉ xấp xỉ 2 tháng, rất ngắn cho việc soạn thảo các văn bản pháp luật (đặc biệt là các văn bản đồ sộ như Biểu thuế, hướng dẫn đấu thầu...). Mặc dù vậy, trên thực tế, văn kiện đầy đủ và chính xác của CPTPP đã được công bố từ khá lâu trước đó, ít nhất là từ thời điểm ký kết CPTPP tháng 3/2018. Đây là khoảng thời gian lẽ ra có thể tranh thủ được để chuẩn bị cho công việc soạn thảo phức tạp này.

Trong quá trình rà soát sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các văn bản pháp luật thực thi CPTPP, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, một những điểm đáng ghi nhận nhất là sự chủ động của các bộ, ngành trong việc nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới những quy định pháp luật nội địa hiện hành để đáp ứng nhu cầu thực tế và yêu cầu nội tại của đất nước, chứ không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc đáp ứng các cam kết tại CPTPP. Và sau Kế hoạch của Chính phủ, trong vòng 7 tháng, lần lượt đã có 24 bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ và 62 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành các kế hoạch thực thi CPTPP của ngành, địa phương mình.

Tuy việc, việc phần lớn các văn bản đều được ban hành chậm hơn so với yêu cầu của Hiệp định đã ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả tận dụng cơ hội từ Hiệp định của cộng đồng doanh nghiệp. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các kết quả thương mại và đầu tư chung của Việt Nam với các đối tác CPTPP sau 2 năm thực thi chưa thực sự đáng kể.

Do đó, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương kiến nghị, trong thời gian tới Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh rà soát quy định pháp luật liên quan, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Chuyên đề