Số doanh nghiệp hưởng lợi từ CPTPP chưa nhiều

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau 2 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), dù đã có những tác động tích cực, nhưng số doanh nghiệp (DN) thụ hưởng, khai thác được lợi ích từ Hiệp định vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Nhiều doanh nghiệp chưa biết rõ về cam kết của Hiệp định CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp chưa biết rõ về cam kết của Hiệp định CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình. Ảnh: Lê Tiên

Hưởng lợi chủ yếu từ thuế quan

Theo Báo cáo Việt Nam sau 2 năm thực thi CPTPP từ góc nhìn DN vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Aus4Reform - Đại sứ quán Australia tại Việt Nam công bố, cứ 4 DN thì mới có 1 DN đã từng được trải nghiệm các lợi ích từ CPTPP, phổ biến nhất là thuế quan, đặc biệt ở các thị trường mới như Canada, Mexico.

Bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết, so với năm 2018, trước khi CPTPP có hiệu lực thi hành, xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP năm 2019 tăng trưởng trung bình 7,2%, trong khi nhập khẩu tăng 0,7%. Tuy nhiên, mức tăng kim ngạch xuất khẩu này vẫn thấp hơn mức tăng xuất khẩu ra thế giới (8,3%). Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 1,67%, thấp hơn so với tỷ lệ tận dụng ưu đãi năm đầu tiên của nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) khác. Năm 2020, dưới tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, xuất khẩu sang các nước CPTPP vẫn giữ được kim ngạch tương tự năm 2019, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan đã được cải thiện hơn (4%).

Một trong những điểm sáng đáng ghi nhận là thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là vốn FDI từ các đối tác mới trong CPTPP như Canada, Mexico hoặc các đối tác truyền thống như Brunei, New Zealand vào Việt Nam. Năm 2020, tổng vốn đầu tư thu hút từ các đối tác CPTPP đạt 11,8 tỷ USD, tăng 24,4% so với năm 2019 trong bối cảnh vốn FDI thu hút trong năm giảm gần 25%.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, mức độ hiểu biết của DN về CPTPP có sự gia tăng đáng kể. 69% số DN được khảo sát nghe nói hoặc biết sơ bộ về Hiệp định, cao hơn tất cả các FTA khác, 25% số DN có hiểu biết nhất định về Hiệp định.

Mặc dù có những điểm sáng nêu trên, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung toàn cầu, nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, hiệu quả khai thác các lợi thế của CPTPP vẫn còn thấp, chưa đạt được kỳ vọng rất lớn trước đó. Theo kết quả khảo sát của VCCI, cứ 20 DN mới có 1 DN biết rõ về cam kết của Hiệp định liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình.

Về nguyên nhân của tình trạng này, các DN chưa từng hưởng lợi ích trực tiếp nào từ CPTPP cho biết, lý do chủ yếu (60%) là họ không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan tới thị trường này hay đối tác ở khu vực CPTPP trong 2 năm qua. Trong những DN từng có giao dịch với thị trường này nhưng chưa hưởng lợi từ CPTPP, 75% cho rằng không biết có cơ hội nào từ Hiệp định, và 60% không thấy có cam kết CPTPP liên quan, hoặc do đã hưởng ưu đãi khác của các FTA trước đó phù hợp hơn.

Những lý do còn lại là các văn bản hướng dẫn ban hành chậm, thủ tục hưởng ưu đãi phức tạp, quy trình cấp phép khó khăn, khả năng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của các nước nhập khẩu còn hạn chế (yêu cầu về xuất xứ, chứng nhận xuất xứ, giấy tờ vận chuyển cần thiết...).

Chủ động nâng cấp tiêu chuẩn kỹ thuật

Để khai thác hiệu quả cơ hội từ CPTPP trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng, các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, các ngành hàng của các bộ, ngành và địa phương cần được cải thiện theo hướng tập trung vào vấn đề ưu tiên như chất lượng sản phẩm, đào tạo kỹ năng quản lý cho lãnh đạo và chuyên môn cho người lao động, cải thiện công nghệ...; hỗ trợ thông tin thị trường, kết nối và xúc tiến thương mại ở các thị trường đối tác, đặc biệt là các đối tác mới như Canada, Mexico... Nhóm có nhu cầu hỗ trợ lớn nhất từ Nhà nước chính là nhóm dân doanh, DN siêu nhỏ và nhỏ, hướng tới mục tiêu tiếp cận thị trường nước ngoài và kết nối với các đầu mối xuất khẩu lớn để xuất khẩu gián tiếp.

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, các nước thành viên CPTPP tính toán mức độ hưởng lợi từ Hiệp định không chỉ có ưu đãi thuế quan (chỉ số này chiếm khoảng 2/3), mà còn đánh giá cả những tác động đến thương mại, dịch vụ, sự dịch chuyển cán bộ cấp cao của DN trong thị trường nội khối... Do đó, Việt Nam cần có sự đánh giá đầy đủ hơn và cần nhiều thời gian hơn để DN thích ứng dần. Một trong những nội dung của Hiệp định chưa được nhiều bộ, ngành quan tâm là nền kinh tế có điều kiện phát triển thấp có thể đề xuất các thành viên đối tác của CPTPP hỗ trợ kỹ thuật, bên cạnh việc nghiên cứu xây dựng các hàng rào kỹ thuật cho thị trường trong nước.

Mặt khác, ông Dương nhấn mạnh, các DN cần quan tâm đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cao của CPTPP một cách chủ động hơn, kể cả hàng hóa xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa. Chia sẻ ví dụ thực tế của một DN bị Nhật Bản từ chối nhập khẩu sản phẩm vì có chất bảo quản trung gian mà nước này không cho phép sử dụng, vị chuyên gia cho biết, sau khi DN đầu tư cải thiện thì sản phẩm đó đã được Nhật Bản nhập khẩu trở lại.

Với ngành dệt may, da giày, thủy sản xuất khẩu, đại diện các hiệp hội cho biết, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật là yêu cầu bắt buộc. Do vậy, các DN cần phải thay đổi tư duy để xuất khẩu bền vững và phát triển lâu dài. Điểm yếu mà DN Việt Nam cần quan tâm khắc phục là nâng cấp thương hiệu, công nghệ...

Chuyên đề