Hơn 2 năm CPTPP có hiệu lực: Yêu cầu cải cách mạnh mẽ hơn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Công Thương đang gấp rút hoàn thiện báo cáo đánh giá tổng kết 2 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Thông tin đánh giá chưa được tiết lộ, song theo nhiều chuyên gia cũng như doanh nghiệp, bước đầu, xuất khẩu vào một số thị trường mới trong CPTPP có sự tăng trưởng, nhưng cơ hội thị trường vẫn còn rất lớn. Điều này đặt ra yêu cầu cải cách mạnh mẽ để khai thác tốt hơn cơ hội từ thị trường rộng lớn này.
Từ khi CPTPP được thực thi, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các nước trong khối tăng mạnh. Ảnh: Lê Tiên
Từ khi CPTPP được thực thi, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các nước trong khối tăng mạnh. Ảnh: Lê Tiên

Bước đầu khai thác tốt thị trường mới

Nhiều chuyên gia đánh giá, CPTPP là một trong những FTA thế hệ mới đã và đang giúp nâng cao vị thế đất nước trên “sân chơi” toàn cầu, qua đó, hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam nhờ mở rộng không gian thị trường cho doanh nghiệp.

Sau 2 năm thực hiện, kim ngạch thương mại hàng hóa Canada - Việt Nam đạt mức kỷ lục 8,9 tỷ USD trong năm 2020, tăng 12% so với năm trước, bất chấp tác động từ đại dịch Covid-19. Những sản phẩm chủ lực của Việt Nam sang Canada gồm: dệt may, giày dép, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, đồ gỗ… đang dần khẳng định vị trí.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc, đại diện Công ty CP BWG Mai Châu - đơn vị sản xuất tre công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cho biết, hiện một số nước Bắc Mỹ, trong đó có Canada là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của Công ty. Dịch Covid-19 bùng phát mạnh năm 2020 đã ảnh hưởng không nhỏ tới các đơn hàng của Công ty sang thị trường này. Đến nay, lượng đơn hàng xuất khẩu sang những thị trường này đang tăng trở lại.

Tương tự, một doanh nghiệp thép xuất khẩu của Việt Nam cũng cho biết, từ khi CPTPP vào thực thi, DN cũng đã đẩy mạnh xuất khẩu hơn vào các nước thành viên Hiệp định so với thời kỳ chưa có CPTPP.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) chia sẻ, xuất khẩu thủy sản sang các nước khối CPTPP tăng mạnh so với trước đó. Số liệu của Vasep cho thấy, chỉ tính riêng tháng 1/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt trên 606 triệu USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt xuất khẩu sang các nước trong khối hiệp định CPTPP tăng 34%, trong đó sang Australia tăng 105%, Nhật Bản tăng 25%, Mexico tăng 68%.

Tiềm năng còn “bỏ ngỏ”

Trao đổi với Báo Đấu thầu, chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng cho rằng, còn nhiều cơ hội lớn tại thị trường này chưa được khai thác. Nguyên nhân của hạn chế liên quan đến việc thúc đẩy cải cách thể chế để đáp ứng tốt hơn với yêu cầu của hội nhập, từ đó giúp doanh nghiệp có môi trường kinh doanh thuận lợi, tập trung nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa. Theo ông Thắng, hội nhập với bên ngoài chúng ta đã làm những điều tuyệt vời, nhưng để khai thác tốt được các cơ hội từ thị trường mở ra thì chúng ta cần phải đẩy mạnh hội nhập cả ở bên trong.

“Thực tế, sau 2 năm thực thi CPTPP thì hội nhập bên trong để nắm các cơ hội mở ra là chưa tốt. Sự thay đổi của hệ thống thể chế kinh tế đáp ứng yêu cầu CPTPP còn chậm, sức cạnh tranh của DN còn hạn chế…”, ông Thắng đánh giá.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, lý do lớn nhất khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định là không biết về những ưu đãi thuế quan theo CPTPP, bên cạnh một số nguyên nhân khác như đã hưởng ưu đãi thuế theo FTA có lợi hơn, hay các vấn đề về giấy tờ vận chuyển, thủ tục thông quan… “Do vậy, việc thông tin cho các doanh nghiệp hiểu rõ về Hiệp định cũng như về cách tận dụng các ưu đãi cần được thúc đẩy hơn nữa trong tương lai”, bà Trang nhấn mạnh.

Khuyến nghị với DN xuất khẩu, ông Nguyễn Anh Dương, chuyên gia kinh tế cho rằng, để đón bắt tốt cơ hội từ CPTPP hay bất kỳ FTA thế hệ mới nào, các DN cần xây dựng năng lực tốt và quan tâm thấu đáo hơn tới việc đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra trong Hiệp định. Còn về phía cơ quan quản lý, ông Dương nhấn mạnh, bên cạnh sự chuẩn bị tốt về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì cũng cần tiếp tục tháo gỡ các rào cản, cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy xuất khẩu.

Chuyên đề