Để hoàn thiện khung pháp lý về PPP, việc tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam luôn được chú trọng. Ảnh: Lê Tiên |
Việc xây dựng Luật PPP được đông đảo doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý thống nhất, minh bạch, thông thoáng, đủ sức hấp dẫn để để nhà đầu tư yên tâm tham gia các dự án PPP có vòng đời dài, nhiều rủi ro.
Chờ đợi sự đột phá trong khung pháp lý về PPP
Khi Bộ KH&ĐT đang lấy ý kiến về đề xuất xây dựng Luật PPP, ngày 23/3/2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ KH&ĐT tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đông đảo doanh nghiệp, chuyên gia về định hướng xây dựng Luật này, để nghe doanh nghiệp trả lời câu hỏi: “Có cần thiết xây dựng Luật PPP hay không?”.
Theo bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT, trong quá trình hoàn thiện chính sách về PPP qua các thời kỳ, việc tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và điều chỉnh để phù với thực tiễn triển khai cũng như bối cảnh chính sách của Việt Nam luôn được chú trọng. Chính vì thế, Nghị định 15/2015/NĐ-CP (NĐ15) và Nghị định 30/2015/NĐ-CP (NĐ30) dù được đánh giá là có những quy định phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng chưa thực thi có hiệu quả tại Việt Nam, dẫn đến Chính phủ phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, việc sửa đổi NĐ15 và NĐ30 chỉ nhằm tháo gỡ kịp thời một số vướng mắc, chủ yếu để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, mà không thể xử lý được triệt để tất cả các vấn đề do vướng mắc tại các luật khác có liên quan. “Do khung pháp lý mới chỉ ở cấp Nghị định, bị ràng buộc bởi nhiều luật, nên trong thực thi quy định về đầu tư PPP còn nhiều vướng mắc, thậm chí có thể để lại hệ lụy phải xử lý”, bà Lê cho biết.
Tại Hội thảo, đại diện của nhiều doanh nghiệp lớn đã từng là nhà đầu tư tham gia dự án BOT trong nhiều năm qua, đã chịu tác động từ những thay đổi của pháp luật liên quan đến hình thức đầu tư PPP đánh giá rất cao đề xuất xây dựng Luật PPP.
Theo ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tasco, việc sửa đổi NĐ15, NĐ30 và ban hành trong thời điểm này là cần thiết để tháo gỡ kịp thời nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn trông chờ một hành lang pháp lý thống nhất, hoàn thiện về PPP. “Luật PPP ban hành càng sớm tốc độ đầu tư của doanh nghiệp vào kết cấu hạ tầng càng nhanh”, ông Dũng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Lưu Xuân Thủy, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, khẳng định, nhà đầu tư “chung thủy” với hình thức đầu tư BOT như doanh nghiệp của ông rất mong chờ vào một luật riêng về PPP. Có nhiều vướng mắc hiện nay đối với dự án BOT mà ông Thủy nêu ra từ thực tiễn chỉ có thể trông chờ vào một khung pháp lý đủ mạnh về PPP, để không bị vướng các luật liên quan và đủ ổn định cho các dự án có vòng đời dài, vốn lớn.
Với hơn 15 năm kinh nghiệm tư vấn các dự án hạ tầng và chương trình phát triển PPP tại Việt Nam, ông Trần Duy Hưng, chuyên gia về PPP và tài chính, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn Monitor, cũng cho rằng, trong thời điểm này, việc xây dựng Luật PPP là cơ hội tốt để cải thiện môi trường thu hút nhà đầu tư PPP. Theo ông Hưng, cần có tinh thần đột phá trong xây dựng luật về PPP để xử lý được các vấn đề hiện tại, đồng thời Luật phải tiệm cận được với thông lệ quốc tế, đáp ứng được đòi hỏi của thị trường.
Luật chơi nghiêm túc, khoa học, hài hòa giữa hai đối tác
Bộ KH&ĐT đang hoàn thiện để trình Chính phủ hồ sơ đề xuất xây dựng Luật PPP trong quý 1/2018. Và nếu được Quốc hội thông qua chương trình xây dựng Luật, dự kiến có thể báo cáo Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào năm 2020 hoặc 2021.
Theo những phác họa, định hướng ban đầu được Bộ KH&ĐT thông tin tại Hội thảo, Luật PPP sẽ hướng đến giải quyết một số nhóm vấn đề chính gồm nâng cao hiệu quả đầu tư dự án PPP; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dự án PPP; công khai, minh bạch thông tin trong quá trình đầu tư; trình tự, thủ tục đầu tư; biện pháp thu hút đầu tư; tính pháp lý của hợp đồng PPP.
Nhiều chính sách mới dự kiến đưa vào Luật PPP sẽ làm thay đổi hẳn tư duy, cách thức làm dự án PPP đôi khi “ngược đời” như hiện nay. Ví dụ như cách lựa chọn dự án PPP, thay vì khi không thể bố trí được nguồn lực nhà nước mới chuyển sang làm PPP như hiện nay, thì sẽ chọn các dự án “ngon” nhất, khả thi nhất để ưu tiên làm PPP, nếu thị trường không quan tâm mới quay lại sử dụng vốn nhà nước. Hay thay vì quản lý dự án PPP theo đầu vào như hiện nay bằng cách áp đặt sẵn công trình, dịch vụ, thì chuyển sang quản lý theo đầu ra bằng cách đưa ra các yêu cầu, tiêu chuẩn đầu ra của công trình, dịch vụ, để nhà đầu tư có sự chủ động, sáng tạo, chịu trách nhiệm trong việc triển khai và chấp nhận nguyên tắc thị trường, lời ăn lỗ chịu…
Đồng thời, nhiều nhóm chính sách sẽ giúp minh bạch, công khai tối đa quá trình lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện dự án PPP, đặc biệt là hợp đồng PPP. Khi toàn bộ quá trình được minh bạch, thì sẽ dần không còn chỗ cho những tiêu cực, thông thầu, và nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ yên tâm tham gia các cuộc thầu minh bạch, sòng phẳng.
Luật PPP được kỳ vọng sẽ tạo dựng một sân chơi bình đẳng giữa Nhà nước và doanh nghiệp, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và đối tượng chịu tác động từ dự án.