Sửa luật chơi PPP: Cơ hội cho nhà đầu tư tư nhân

(BĐT) - Cách đây 10 - 20 năm, khó ai có thể tưởng tượng tại Việt Nam có sân bay tư nhân. Nhưng giờ đã sắp có, không chỉ là sân bay nội địa mà là cảng hàng không quốc tế. Ví dụ mà đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra tại một tọa đàm gần đây cho thấy dư địa cho khu vực kinh tế tư nhân đầu tư vào những lĩnh vực hạ tầng, dịch vụ công mà trước nay do Nhà nước thực hiện, là rất lớn.
Định hướng xây dựng Luật về PPP là tạo khung pháp lý đủ mạnh và thuận lợi để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án hạ tầng
Định hướng xây dựng Luật về PPP là tạo khung pháp lý đủ mạnh và thuận lợi để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án hạ tầng

Dư địa lớn cho khu vực tư nhân

Thực hiện việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn, rất nhiều địa phương phản ánh khó khăn, vướng mắc lớn là thiếu vốn. Nhu cầu đầu tư lớn, chủ yếu là các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020 và phải dành cho bố trí thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, trong khi nguồn vốn rất hạn hẹp. Nhiều địa phương cho biết, mặc dù đã chỉ đạo thực hiện rà soát dừng dự án, cắt giảm quy mô, giãn hoãn tiến độ một số dự án chưa thực sự cần thiết, song khả năng cân đối vốn vẫn không đảm bảo, đặc biệt có dự án nhóm B đã có thời gian bố trí vốn quá 5 năm, nhóm C quá 3 năm, phải thực hiện các thủ tục kéo dài thời gian bố trí vốn.

Trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, nhu cầu đầu tư lớn, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, vốn ngân sách nhà nước (NSNN) chỉ đầu tư được những dự án quan trọng, vì lợi ích công cộng, quốc gia. Việc huy động khối tư nhân tham gia các dự án đầu tư phát triển, kết cấu hạ tầng, dịch vụ công đang được khuyến khích, đẩy mạnh. Trong nguyên tắc bố trí vốn đầu tư công trung hạn, việc bố trí vốn cho phần vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP cũng thuộc ưu tiên cao.

Vốn NSNN khó khăn, vốn ODA và vốn vay ưu đãi cũng sẽ giảm dần mức độ ưu đãi. Theo ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại thuộc Bộ KH&ĐT, từ 1/7/2017, Ngân hàng Thế giới (WB) không tiếp tục hỗ trợ nguồn IDA; từ 1/1/2019, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) không hỗ trợ nguồn ưu đãi nhất của họ; một số nhà tài trợ khác cũng dần dần giảm những khoản vốn ưu đãi nhất, thay vào đó là các khoản vốn vay có lãi suất cao hơn, thời hạn ngắn hơn, và mất một số khoản chi phí khác.

Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, thì khu vực tư nhân trong những năm qua đã có sự phát triển vượt bậc, một số doanh nghiệp đã đủ lớn mạnh để thực hiện nhiều dự án hạ tầng lớn. Ông Lưu Quang Khánh cho biết, hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&ĐT điều chỉnh lại định hướng sử dụng ODA theo hướng thu hẹp lĩnh vực sử dụng nguồn vốn này, đồng thời, có quy định để đảm bảo sự tham gia trực tiếp của khu vực tư nhân vào dự án vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Trong định hướng mới sẽ không sử dụng vốn ODA cho những lĩnh vực, dự án mà khu vực tư nhân có thể làm được.

Những định hướng này cho thấy, dư địa để khu vực tư nhân tham gia vào các dự án hạ tầng, dịch vụ công là rất lớn. 

Kỳ vọng vào Luật PPP

Theo đánh giá mới nhất của Bộ KH&ĐT, nguyên nhân gây vướng mắc trong đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hợp đồng BOT thời gian qua là do hình thức đầu tư này còn tương đối mới, kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều. Điều này đã khiến các quy định pháp luật vẫn chưa bao quát được đầy đủ các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện loại hợp đồng này.

Thực tế thời gian qua, các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đã được xây dựng và hoàn thiện về cơ bản. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vấn đề mới, văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định để điều chỉnh. Dù Luật Đầu tư công có đề cập đến hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) nhưng rất chung chung. Cho đến nay, văn bản có giá trị pháp lý cao nhất quy định cụ thể, chi tiết về hình thức đầu tư này mới chỉ dừng ở Nghị định của Chính phủ. Trong khi đó, rất nhiều quy định liên quan được nằm rải rác ở các luật chuyên ngành - chủ yếu là để điều chỉnh hoạt động đầu tư công, không phải là dự án đầu tư theo hình thức PPP - nên khó áp dụng, đồng thời còn chồng chéo, mâu thuẫn. Đơn cử, quy định về góp vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp dự án, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP nói rõ doanh nghiệp dự án góp vốn chủ sở hữu theo tiến độ dự án. Nhưng Luật Doanh nghiệp lại quy định doanh nghiệp phải góp đủ vốn chủ sở hữu trong vòng 90 ngày kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trao đổi với nhiều nhà đầu tư, một trong những lo ngại lớn nhất của họ là khung pháp lý về PPP chưa đủ mạnh, nhà đầu tư cảm thấy quá rủi ro khi theo đuổi một dự án hạ tầng lớn, thời gian thu hồi vốn dài, mà quy định pháp luật lại mới chỉ dừng ở tầm nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật. 

Những động thái gần đây có thể là tín hiệu đáng mừng đối với các nhà đầu tư đang ấp ủ những kế hoạch lớn vào dự án hạ tầng theo hình thức PPP. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về BOT mới đây, đã đề nghị Chính phủ sớm xây dựng Luật về PPP. Tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 22/8, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&ĐT lập Tổ công tác nghiên cứu sửa Nghị định PPP và xây dựng dự luật về PPP.

Định hướng xây dựng Luật theo cơ quan soạn thảo là trên cơ sở đúc kết từ thực tiễn triển khai PPP thời gian qua, tiếp thu các thông lệ quốc tế tốt, sẽ tháo gỡ các vướng mắc hiện nay, tạo ra khung pháp lý đủ mạnh, vừa thuận lợi để khu vực tư nhân tham gia, vừa đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu quả dự án.

Khi Luật về PPP được ban hành cùng với dư địa đầu tư rất rộng mở, dự án PPP chắc chắn sẽ là những cơ hội đầu tư, kinh doanh mới đầy hấp dẫn cho khu vực kinh tế tư nhân.

Chuyên đề