Sau 5 năm triển khai Chương trình Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng đã giải ngân cho vay 44.183 khách hàng với số tiền lên đến 761.805 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên |
Chương trình này ra đời không chỉ được giải quyết về nguồn vốn, mà còn giúp niềm tin giữa ngân hàng và DN được củng cố. Nhưng bây giờ bối cảnh đã khác, Chương trình cần đi vào chiều sâu, hỗ trợ DN nhiều hơn nữa.
Hiệu quả lan tỏa của chương trình
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, cho biết, là địa phương đầu tiên triển khai Chương trình, sau 5 năm triển khai, các tổ chức tín dụng đã giải ngân cho vay 44.183 khách hàng với số tiền lên đến 761.805 tỷ đồng. Bình quân cho vay mỗi năm đạt trên 126.000 tỷ đồng. Thành công nhất của Chương trình là đến nay không phát sinh nợ xấu.
Đánh giá về hiệu quả của Chương trình, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho rằng Chương trình đã nhanh chóng lan tỏa trên toàn quốc và có hiệu quả tích cực, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2017 đã có trên 300 cuộc gặp gỡ đối thoại giữa ngân hàng và DN. Các ngân hàng cam kết cho vay gần 570.000 tỷ đồng và đã giải ngân 550.000 tỷ đồng cho khách hàng. Hệ thống các ngân hàng cũng đưa ra 70 chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ DN, trong đó có 15 chương trình áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Là người theo suốt Chương trình từ năm 2012 đến nay, ông Trần Việt Anh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty XNK Nam Thái Sơn chia sẻ, cách đây hơn 10 năm, ngân hàng và DN là 2 thành phần khác biệt, không có “sân chơi” chung, đặc biệt là các DNNVV càng khó tiếp cận vốn ngân hàng. Chính trong giờ phút khó khăn đó, Chương trình là 1 sáng kiến kịp thời của NHNN và TP.HCM.
Đây cũng là lần đầu tiên mở ra thời kỳ chính quyền tham gia vào công việc hỗ trợ DN tiếp cận vốn. Ngân hàng đi tìm DN và đã thật sự trở thành người bạn, người đồng hành cùng DN.
Không để doanh nghiệp thiếu vốn
TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhìn nhận, thời kỳ ngân hàng "nhìn mặt" để cho vay đã qua. Bối cảnh thị trường tài chính ngân hàng hiện nay khác xa với thời điểm 2012 - 2013 khi lãi suất đã giảm dần, tỷ giá ổn định, nợ xấu cũng giảm xuống mức thấp nhất thì các ngân hàng cần phải xử lý tốt vấn đề “mỏng vốn” của DN Việt Nam.
Vốn cho DN cần phải tách ra hai phần: vốn chủ sở hữu và vốn đi vay. Hiện nay, chúng ta hay gọi chung là vốn nhưng đa phần là nợ, DN huy động dòng tiền để đầu tư chủ yếu qua ngân hàng thương mại. Trong khi đó, việc huy động qua trái phiếu, cổ phiếu rất yếu. “Tôi dự đoán trong 10 năm nữa, ngân hàng thương mại vẫn “một mình một chợ” và tình trạng này còn kéo dài” – ông Lịch phân tích.
Để Chương trình nâng cao hiệu quả kết nối ngân hàng và DN, cần tập trung vào đối tượng DN có khả năng mở rộng đầu tư nhưng ngân hàng chưa yên tâm “chọn mặt gửi vàng” cho vay. Nhà nước, chính quyền địa phương cần phối hợp cùng ngân hàng tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho những DN có nhu cầu để Chương trình thành công ở bước cao hơn. NHNN cần trực tiếp đứng ra thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay thì mới đạt hiệu quả tốt.
Ngoài Chương trình, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, để DN yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN hiện nay công khai, luôn có thông điệp cụ thể cho thị trường. Theo đó, NHNN vẫn tiếp tục duy trì ổn định giá trị đồng tiền. Liên quan đến tỷ lệ tăng trưởng tín dụng gây tranh cãi trong thời gian qua, theo ông Tú, tăng trưởng tín dụng hiện là 12%, theo kế hoạch đến cuối năm đạt 18%. Vừa rồi Chính phủ chỉ đạo tăng lên 21% nhưng GDP đang tăng tốt nên tín dụng sẽ đi theo hướng không để thị trường thiếu vốn. Một yếu tố khác là dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đang ở mức cao nhất từ trước đến nay (45 tỷ USD), nên NHNN hoàn toàn chủ động can thiệp khi thị trường biến động. "Do đó DN yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh, không phải lo về vấn đề thiếu vốn, ngoại tệ", ông Tú khẳng định.