Doanh nghiệp không dám vay vì lãi quá cao, ngân hàng nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế giảm đáng kể so với cùng kỳ phản ánh sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp hiện rất yếu. Dù mặt bằng lãi suất huy động đã giảm nhẹ, song các doanh nghiệp cho biết, lãi suất cho vay vẫn quá cao khiến họ không dám vay.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến thời điểm 20/3/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 0,57% so với cuối năm 2022 (cùng thời điểm năm 2022 tăng 2,49%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,61% (cùng thời điểm năm 2022 tăng 4,03%). Các con số này cho thấy sức hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm thấp đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, các doanh nghiệp rất khó khăn do thiếu vốn nhưng không dám vay vì lãi quá cao. Khảo sát của HUBA chỉ ra, các ngành sản xuất chủ lực đều xuất khẩu sụt giảm, dẫn đến tăng trưởng sản phẩm rất thấp.

"Các doanh nghiệp đã cố gắng duy trì hoạt động trong bối cảnh khó khăn. Hiện nay, phải thừa nhận cầu giảm, làm ảnh hưởng hoạt động doanh nghiệp nên doanh nghiệp không có nhu cầu vay để sản xuất kinh doanh mà có nhu cầu vay để cầm cự. Do đó, các ngân hàng cần có chính sách giãn nợ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần dòng vốn cho đầu tư dài hạn nhưng với lãi suất trên 10% thì không có doanh nghiệp nào dám vay chứ không phải ngân hàng không cho vay", ông Hòa nói.

Vị chủ tịch HUBA đề xuất, cần có chính sách kéo lãi suất xuống dưới 10% thì doanh nghiệp mới dám vay. Bên cạnh đó, cần phải tính lại thế chấp tài sản, định giá tài sản. "Cần có sự chia sẻ, kéo giảm lãi suất, phải "mềm hóa" việc thế chấp, định giá tài sản. Hiện doanh nghiệp có đất đai nhưng thủ tục pháp lý kéo dài nên cũng khó thế chấp", ông Hòa nhận xét.

Ông Lê Mai Hữu Lâm - Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi cho biết, thời gian vừa qua, lãi suất ngân hàng ở mức rất cao, trong khi doanh nghiệp sản xuất nếu quản lý tốt lắm thì lãi ròng chỉ đạt khoảng 6 - 7%. Vì vậy, để phát triển nền công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp cần được hỗ trợ về lãi suất, tiếp cận điều kiện vay dễ thở hơn. "Chẳng hạn, bên cạnh cách thức cho vay dựa vào tài sản thế chấp là nhà xưởng, thì ngân hàng cân nhắc cho vay dựa trên hợp đồng doanh nghiệp thuê đất dài hạn 50 năm ở các khu công nghiệp để xây nhà xưởng và sản xuất kinh doanh", ông Lâm đề xuất.

Theo ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM, các thị trường xuất khẩu giảm mạnh, tổng sản phẩm của toàn ngành dệt may giảm hơn 19% so với cùng kỳ. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang đối diện với các khoản vay nợ cũ đã đến hạn, nếu không có các cơ chế để xử lý thì nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển sang nợ xấu, kéo theo nhiều hệ lụy.

"Hiện nay, các doanh nghiệp cần vốn ngắn hạn đề duy trì hoạt động, đồng thời cũng cần nguồn vốn đề đầu tư và tái cấu trúc. Do đó, chúng tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng cần nghiên cứu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp linh hoạt như giữ nguyên nhóm nợ, tài sản đảm bảo, điều kiện cho vay", ông Việt đề xuất.

Đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho biết, bản thân đã có hơn 30 năm làm nông nghiệp, chăn nuôi nhưng hiện nay là thời điểm khó khăn nhất của ngành này.

Theo ông Ngọc, người dân mua đất làm trang trại rất cao nhưng thế chấp vào thì ngân hàng định giá theo khung nhà nước rất thấp. Trước kia, hạn mức tín dụng cho vay cá nhân 30 tỷ đồng thì từ năm 2020 giảm còn 20 tỷ đồng dù tài sản thế chấp hiện vẫn trên 30 tỷ đồng. "Ngân hàng nên cho vay với tài sản hình thành trong tương lai (công nghệ máy móc nhập khẩu, đã có hợp đồng mua bán, hóa đơn), để đầu tư để đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đang cực kỳ khó khăn do tác động của kinh tế nói chung. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, cho nông dân trả lãi, còn chậm trả gốc vì thực tế chỉ là vấn đề sổ sách, còn tài sản đảm bảo ngân hàng vẫn đang giữ", ông Ngọc đề xuất.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Từ góc độ ngân hàng, theo ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), ngân hàng thương mại hay doanh nghiệp thì đều là doanh nghiệp, đều tham gia sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị cho xã hội. "Một tháng trước đây chẳng có khái niệm ở Mỹ có các ngân hàng dễ dàng sập chỉ trong vòng một đến hai tuần. Điều này thể hiện nền kinh tế đang gặp khó khăn", ông Phương cho biết.

Trong quá trình thẩm định, đối với HDBank, tài sản đảm bảo là yếu tố để Ngân hàng quyết định cho vay, vì liên quan đến việc bảo vệ nguồn vốn, quyền lợi cổ đông, tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước. "Chúng tôi cung cấp tín dụng, muốn thấy phương án tạo dòng tiền như thế nào, trên cơ sở đó mới cấp vốn vay, tài sản cứng là phần quan trọng nhưng không phải tất cả. HDBank cũng có nhiều phương án cung cấp tín dụng không cần tài sản đảm bảo. Chẳng hạn, Ngân hàng cấp tín dụng cho khách hàng trên việc thẩm định dòng tiền và khả năng thanh toán của khách hàng. Hay theo hướng 3 - 4 bên, nếu nhà cung ứng (bên vay) bán hàng cho doanh nghiệp lớn, thì Ngân hàng sẽ xem xét cấp tín dụng dựa trên mối quan hệ này, chứ không phải chỉ tính độc lập mỗi nhà cung ứng", ông Phương nhấn mạnh.

Đại diện cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho rằng, chính sách lãi suất là chính sách khó nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó phải đảm bảo hài hoà nhà đầu tư, doanh nghiệp, phù hợp với nhiều lĩnh vực… Mặc dù hiện nay nhiều nước trên thế giới vẫn tăng lãi suất, nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

"Vốn hiện nay đang thừa, chúng tôi khuyến khích cho vay. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kêu gọi các ngân hàng thương mại giảm thêm lãi suất cho vay. Về giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp, đây là việc cần thiết, sắp tới sẽ triển khai song phải phù thuộc vào ngành nghề, tránh trường hợp xảy ra nợ xấu, hay dẫn đến thiếu sự ổn định an toàn về tín dụng", ông Tú nhấn mạnh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư