Doanh nghiệp FDI kêu thiếu nhà cung cấp Việt Nam

(BĐT) - Việt Nam đang thu hút lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài rất lớn, sản phẩm của Việt Nam đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Song tại Hội thảo “Sản xuất tại Việt Nam và sản phẩm Made in Việt Nam” diễn ra sáng 17/10, tại Hà Nội, đại diện nhiều nhà sản xuất quốc tế cho rằng, việc tìm kiếm các nhà cung cấp vẫn là thách thức đối với họ.
Cần chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để giúp DN tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Lê Tiên
Cần chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để giúp DN tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Lê Tiên

Tại Hội thảo, nhìn nhận về ngành sản xuất Việt Nam trong bối cảnh hiện tại, ông Tee Boon Teong, Tổng giám đốc Informa Markets Vietnam cho rằng, Việt Nam đang đứng ở thời kỳ phát triển cao của ngành sản xuất, chế tạo. Về lợi thế, Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, có tay nghề, chi phí nhân công rẻ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao. Hơn nữa, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc để tìm kiếm thị trường mới. “Hiện có nhiều tập đoàn lớn trên thế giới muốn đến Việt Nam để mở nhà máy sản xuất. Đây là một cơ hội tuyệt vời và Việt Nam có tiềm năng để trở thành công xưởng sản xuất của châu Á, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Tee Boon Teong nói.

Ông Hans Kersten, Giám đốc kinh doanh của Khu công nghiệp Deep C nhận định: “Việt Nam đang có nhiệt huyết sẵn sàng thay đổi rất lớn, là điều kiện tốt để tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu”.

Đánh giá cao cơ hội, song đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, vẫn còn một thách thức nổi lên đối với các nhà đầu tư, đó là vấn đề nhà cung cấp nội địa còn rất ít.

Thừa nhận thực tế này, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp IDC - Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương lo ngại, thực tế số lượng DN Việt Nam đủ năng lực để trở thành nhà cung cấp và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là không lớn. Bởi lẽ, theo thống kê, hiện tại ở Việt Nam có khoảng vài trăm DN sản xuất nguyên liệu ở lĩnh vực sắt, thép… Các DN gia công cơ khí, sản phẩm kim loại có khả năng sản xuất phụ tùng, linh kiện chỉ khoảng vài nghìn DN… Cũng theo bà Thúy, đa số DN Việt Nam vẫn là DN nhỏ và vừa, hạn chế về nguồn lực cũng như trình độ quản trị…

Vậy làm thế nào để ngành sản xuất Việt Nam có thể vươn lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị toàn cầu? Trả lời câu hỏi này, ông Hans Kersten cho rằng: “Việt Nam cần chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho vấn đề này như: đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; nâng cao năng lực lao động; thúc đẩy phát triển logistics; thúc đẩy đổi mới sáng tạo…”.

Ở một góc nhìn khác, đại diện Siemens tại Việt Nam cho rằng, các DN Việt Nam cần lưu ý việc tham gia chuỗi cung ứng không dừng lại ở sản phẩm mà quan trọng là làm thế nào để có chuỗi sản xuất trọn vẹn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trong bối cảnh mới.

Về phía Bộ Công Thương, bà Thúy cho biết, hiện nay, Bộ đang thực hiện nhiều giải pháp giúp DN Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị như: Thực hiện các sự kiện kết nối, hội chợ thương mại trong và ngoài nước; chương trình tư vấn cải tiến DN; tham gia các hiệp hội ngành nghề…

Chuyên đề