Doanh nghiệp dự án BOT mòn mỏi chờ “phao cứu sinh”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù đã qua nhiều thời gian rà soát, đến nay, vẫn chưa thể rõ thời hạn xử lý vướng mắc của những dự án BOT đầu tư từ giai đoạn trước khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được ban hành. Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp dự án BOT chia sẻ mong mỏi “phao cứu sinh” tung ra đúng lúc, bởi doanh nghiệp đã cạn sức chịu đựng, càng kéo dài khó khăn càng trầm trọng, ảnh hưởng đến cả các nhà đầu tư khi tham gia vào dự án mới.
Nhiều dự án BOT đang ngập trong khó khăn do lưu lượng xe không được như kỳ vọng của phương án tài chính. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều dự án BOT đang ngập trong khó khăn do lưu lượng xe không được như kỳ vọng của phương án tài chính. Ảnh: Lê Tiên

Trao đổi với Báo Đấu thầu cách đây hơn 1 năm, ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH BOT Phú Hà, DNDA BOT cầu Việt Trì - Ba Vì chia sẻ, DN ngập trong khó khăn, khẩn thiết mong được cứu nguy do Dự án hụt thu quá lớn, có nguy cơ vỡ phương án tài chính. Trước đó, Công ty đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho Dự án, làm đơn kêu cứu gửi Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Tháng 10/2022, Dự án được tổng hợp là 1 trong 8 dự án Chính phủ đề xuất xử lý vướng mắc do chưa thể giải quyết triệt để khó khăn dù áp dụng nhiều giải pháp. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, trong quá trình chuẩn bị xin ý kiến thì Quốc hội có chỉ đạo là cần phải rà soát, đánh giá không chỉ 8 dự án BOT đó mà là toàn bộ các dự án BOT trên toàn quốc, bao gồm cả dự án của Trung ương và địa phương để có một bức tranh toàn cảnh, từ đó đề ra các biện pháp, giải pháp. Ngày 27/4/2023, Bộ GTVT đã tổng hợp hết ý kiến của các địa phương, đã nhận diện các vấn đề và đã trình lại đối với 9 dự án BOT phát sinh khó khăn do nguyên nhân khách quan sau thời điểm ký kết hợp đồng. Trong đó, có 6 dự án mà theo Bộ GTVT, đã áp dụng mọi giải pháp sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước, kéo dài thời gian thu phí nhưng không khả thi, càng kéo dài thời gian hoàn vốn thì dư nợ của dự án càng tăng cao, có dự án khả thi về tài chính lại không khả thi về tổ chức thực hiện, có dự án không thể bố trí thu phí… Theo đó, Bộ GTVT đề nghị chấm dứt hợp đồng với 6 dự án này. Đồng thời, áp dụng giải pháp sửa đổi hợp đồng, tiếp tục thực hiện đối với Dự án Xây dựng cầu Thái Hà, Dự án Xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì, Dự án Xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả.

Được biết, qua đàm phán giữa Bộ GTVT và các nhà đầu tư, DNDA, các nhà đầu tư đều thống nhất giảm tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Tại thời điểm Bộ GTVT báo cáo ngày 27/4, nhà đầu tư/DNDA cầu Việt Trì - Ba Vì đã ký biên bản thống nhất giảm 50% lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu so với hợp đồng BOT đã ký kết; nhà đầu tư Dự án Tuyến tránh TP. Thanh Hóa thống nhất giảm 30%; Dự án Quốc lộ 91 thống nhất giảm 50%; Dự án Xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) giảm 50%; đối với Dự án Cầu đường sắt Bình Lợi, nhà đầu tư cam kết không tính lợi nhuận... Bộ GTVT đang tiếp tục đàm phán tăng mức chia sẻ của nhà đầu tư đối với Nhà nước (giảm tối đa lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu).

Nhiều dự án BOT sụt giảm mạnh doanh thu từ hoạt động thu phí do chính sách, quy định pháp luật thay đổi, hoặc thay đổi quy hoạch. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều dự án BOT sụt giảm mạnh doanh thu từ hoạt động thu phí do chính sách, quy định pháp luật thay đổi, hoặc thay đổi quy hoạch. Ảnh: Lê Tiên

Trao đổi với phóng viên cách đây ít ngày, ông Lê Minh Nghĩa cho biết, rất mong cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc của Dự án. Khó khăn kéo dài đã quá lâu và đến nay càng trầm trọng hơn. Nhà đầu tư, DNDA đã tìm mọi cách xoay xở trong thời gian qua. Tất cả tiền thu phí, DNDA phải dành hết trả ngân hàng, Nhà đầu tư phải cho DNDA vay để trang trải chi phí vận hành, bảo trì… Số tiền đến nay không nhỏ và nếu tình hình còn kéo dài, Nhà đầu tư cũng không còn khả năng cho DNDA vay. Nguy cơ phá sản là rất cao, kéo theo Dự án đổ bể, không thể trả được khoản nợ cho ngân hàng.

Hồi tháng 10/2022, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Quốc lộ 91 đã phải than thở, nợ của Công ty bị xếp vào nhóm 5, ảnh hưởng đến cả hệ thống các nhà đầu tư góp vốn vào DNDA, lãnh đạo trong Công ty cũng gánh nợ xấu, vay tiền cá nhân cũng không vay được… Đến nay, Dự án Quốc lộ 91 vẫn là 1 trong số 9 dự án đang mòn mỏi chờ giải quyết vướng mắc.

Không chỉ 9 dự án này, nhiều dự án BOT khác cũng đang ngập trong khó khăn, tuy chưa đổ bể phương án tài chính, nhưng nhà đầu tư, DNDA cũng đang từng ngày “gồng lỗ” vì những khó khăn phát sinh ngoài tầm kiểm soát sau khi ký kết hợp đồng. Ông Phạm Đức Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tasco Hải Phòng - DNDA BOT Quán Toan - Cầu Nghìn chia sẻ, riêng việc bù chênh lệch chi phí lãi vay thực tế so với lãi vay theo quy định được tính tại phương án tài chính của Dự án đến nay đã khoảng 500 tỷ đồng. Cùng với nhiều khó khăn khác, DNDA đang gồng mình bù lỗ, các nhà đầu tư góp vốn vào DNDA cũng đang bị ngân hàng cho vào nhóm kiểm soát chặt chẽ khi vay, ảnh hưởng đến việc tham gia dự án mới.

Tại Nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định cụ thể thời hạn, thời gian xử lý, cam kết cụ thể đối với các dự án BOT còn vướng mắc để cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và Nhà nước yên tâm. Trước đề nghị của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, đã có văn bản báo cáo Chính phủ về vấn đề này.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo nhiều DNDA cho biết, những vướng mắc này khiến nhà đầu tư có tâm lý sợ đầu tư BOT, và thực tế cũng không còn nguồn lực để tham gia, chưa nói có trường hợp không thể vay mới để đầu tư. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư không tham gia vào các dự án PPP mới. Do đó, họ rất kỳ vọng với sự quan tâm của Quốc hội, những khó khăn sẽ sớm được tháo gỡ trên tinh thần chia sẻ hài hòa rủi ro.

Chuyên đề