Để ứng phó với khó khăn về nguồn cung và thị trường tiêu thụ, DN nên thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí, giảm giá thành. Ảnh Lê Tiên |
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng thư ký Liên hợp quốc đã nhận định, bệnh dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của nhân loại kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai và tác động kinh tế của dịch bệnh sẽ là một cuộc suy thoái toàn cầu. Cuộc chiến kinh tế để chống suy giảm chắc chắn sẽ kéo dài hơn cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.
Dịch bệnh đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy giảm của DN. Trong 3 tháng đầu năm, cả nước đã có gần 35.000 DN rút lui khỏi thị trường - con số kỷ lục từ trước đến nay. Và lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng DN rút lui khỏi thị trường lớn hơn số DN đăng ký thành lập mới.
Theo một kết quả khảo sát nhanh của VCCI được triển khai cuối tháng 3/2020 đầu tháng 4/2020, tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN là rất nghiêm trọng. Có tới gần 85% số DN được khảo sát cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% DN cho rằng dịch bệnh khiến họ thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh, trên 40% DN cho biết đại dịch gây thiếu nguồn cung nguyên liệu, 43% DN phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm. 82% DN cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019. Có tới 30% DN dự báo có thể sụt giảm 30 - 50% doanh thu và 22% số DN sẽ sụt giảm trên 50% doanh thu.
Nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, có tới gần 30% số DN chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% DN chỉ trụ được nửa năm. Trên 75% số DN được khảo sát dự báo sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số DN phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số DN gia tăng lao động. Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.
Chưa ai dự báo được khi nào thì dịch bệnh sẽ qua đi, nhưng một điều chắc chắn là hệ lụy, ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế sẽ còn kéo dài, chưa thể khắc phục được ngay khi dịch bệnh kết thúc và khó khăn với DN còn chất chồng trước mắt.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, trên cơ sở tập hợp ý kiến từ cộng đồng DN, VCCI đã gửi Thủ tướng Chính phủ nhiều công văn phản ánh những khó khăn của DN, kiến nghị các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Những kiến nghị này đã được Thủ tướng Chính phủ tiếp thu và liên tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo như: Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020, Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020...
Mới đây, VCCI đã tiến hành khảo sát nhanh tình hình DN và tổ chức họp trực tuyến với lãnh đạo của gần 100 hiệp hội DN trong và ngoài nước để nắm bắt tình hình thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng, ảnh hưởng mới của dịch Covid-19 tới hoạt động của DN và những đề xuất, kiến nghị tiếp theo của cộng đồng DN gửi Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở đề xuất của cộng đồng DN, VCCI vừa tiếp tục gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về 36 giải pháp liên quan đến việc phối hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh và duy trì sản xuất kinh doanh; chính sách tài khóa - tín dụng; chính sách lao động, tiền lương, công đoàn; chính sách hỗ trợ một số lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19; cải cách thủ tục hành chính; tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ và sự chủ động của cộng đồng DN.
Hiện cả nước có gần 800 nghìn DN và trên 5 triệu hộ kinh doanh. Để tự cứu mình, trước mắt, các DN cần theo dõi sát tình hình, tiếp tục phát huy các sáng kiến, các giải pháp để tiếp tục trụ vững và phát triển.
Đây cũng là lúc DN cần tập trung xem xét các điều kiện để tái cấu trúc DN như: đổi mới tổ chức sản xuất, đổi mới công nghệ, cơ cấu lại thị trường, tổ chức lao động để tăng hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh. Các DN cần nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số và hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong quản trị DN. Để ứng phó với khó khăn về nguồn cung và thị trường tiêu thụ, DN nên thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí, giảm giá thành, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh. Đồng thời, tăng cường liên kết thông qua các chuỗi cung ứng và mạng lưới các hiệp hội DN ngành hàng và địa phương, phát triển thị trường nội bộ và hợp tác với nhau vươn ra thị trường thế giới.
Thời điểm này cũng là lúc DN cần tận dụng để đào tạo và đào tạo lại nhân viên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển DN trong hiện tại và tương lai; xây dựng hệ thống trả lương linh hoạt (có thể thấp hơn mức tối thiểu vùng trong thời gian dịch bệnh).