Doanh nghiệp chờ đợi quyết sách, giải pháp mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bối cảnh 6 tháng đầu năm 2022 cũng như thời gian tới đã có những thay đổi rất lớn, nhiều khó khăn mới ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề. Tuy nhiên, cũng có những xu hướng, cơ hội mới mà nếu có quyết sách kịp thời thì doanh nghiệp (DN) có thể nắm bắt và bứt phá.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, sự phục hồi của ngành du lịch chủ yếu dựa vào vào lượng khách trong nước, việc thu hút khách quốc tế gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Tường Lâm
Trong 6 tháng đầu năm 2022, sự phục hồi của ngành du lịch chủ yếu dựa vào vào lượng khách trong nước, việc thu hút khách quốc tế gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Tường Lâm

Được kỳ vọng bứt phá mạnh mẽ, góp phần quan trọng vực dậy nền kinh tế, ngành du lịch đã có sự phục hồi trong 6 tháng đầu năm 2022, nhưng theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, sự phục hồi chủ yếu tập trung vào du lịch nội địa. Dự báo du lịch nội địa tăng rất mạnh trong năm nay, vượt cả năm 2019, là tín hiệu tích cực, nhưng cũng đặt ra áp lực, thách thức mới. Du lịch nội địa chỉ chiếm 30% tổng doanh thu của ngành, sự phát triển hiện nay chỉ giải quyết khó khăn trước mắt, song lại có thể dẫn đến kéo chất lượng, mặt bằng tổng thể của ngành du lịch Việt Nam thấp xuống, đơn cử như nhiều khách sạn 5 sao hạ thấp tiêu chuẩn xuống để đón khách du lịch nội địa. “Nếu không đẩy nhanh du lịch quốc tế mà cứ đắm sâu vào du lịch nội địa thì toàn bộ hệ thống du lịch sẽ bị thụt lùi so với tình hình chung của thế giới”, ông Vũ Thế Bình lo ngại.

Mặt khác, ông Vũ Thế Bình cũng chỉ ra thực tế, cạnh tranh thu hút khách du lịch quốc tế đang trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết. Trong khi đó, nhiều chính sách cũ không thể áp dụng được trong bối cảnh hiện nay. Ví dụ trước đây có thể giảm giá để kích cầu, nhưng sau Covid-19, giá tăng cao nên không thể áp dụng chính sách này, cần có giải pháp mới, bền vững hơn.

Nhiều chính sách, quy định mới nhưng cũng cần sửa đổi. Ông Bình nêu ví dụ, muốn thu hút khách quốc tế, cần tạo điều kiện thuận lợi cho họ vào Việt Nam. Chúng ta đã thực hiện miễn Visa cho khách du lịch một số nước, nhưng vì sao chỉ miễn 15 ngày mà không 20, 30 ngày như nhiều nước, trong khi khách du lịch ở lại càng lâu thì càng chi tiêu nhiều. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng thay đổi, xúc tiến mở thị trường mới, loại hình du lịch mới được khách hàng ưa thích sau Covid-19...

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam phải thốt lên rằng DN xây dựng khổ nhất trong các loại DN, với rất nhiều khó khăn cả cũ cả mới. Dù 6 tháng đầu năm 2022, có những DN tăng trưởng 300 - 500% so với 6 tháng đầu năm 2021 chứng tỏ biện pháp của Chính phủ đã có tác động tích cực, nhưng so với kế hoạch đặt ra của DN thì vẫn còn khoảng cách rất xa. Khó khăn muôn thuở là thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng vô cùng phức tạp khiến DN “ đau khổ mà không biết kêu ai”. Ngoài ra, giá vật liệu xây dựng tăng quá cao nhưng chưa có chính sách bù giá; đơn giá nhân công tăng… nhưng vẫn thiếu lao động. Nếu tình hình cứ tiếp diễn, DN xây dựng sẽ chết dần.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế tuy đang tốt nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức mới phát sinh. Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa có thay đổi mạnh mẽ, thậm chí hiện trong nhiều dự thảo quy phạm pháp luật có xu hướng đặt ra điều kiện kinh doanh mới. Cải cách quản lý chuyên ngành chưa đẩy nhanh, tranh tra kiểm tra DN đang là vấn đề lớn, tạo ra khó khăn cho DN.

Để nền kinh tế tăng tốc, giúp DN phát triển mạnh mẽ hơn, ông Tuấn nhấn mạnh đến vai trò của cải cách thể chế - đây cần là một giải pháp đậm nét trong giai đoạn cuối năm 2022 đầu năm 2023.

Đại diện các hiệp hội ngành nghề cũng chờ đợi quyết sách, giải pháp mới, nếu không thì DN phục hồi không bền vững, không những không tận dụng được cơ hội mới hình thành hậu Covid-19, mà có thể còn bị thụt lùi trong tương lai không xa.

Trên đây là những chia sẻ rất thẳng thắn của một số đại diện DN tại Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức mới đây.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn được nghe những ý kiến thẳng thắn, cởi mở về hiệu quả triển khai các chính sách hỗ trợ đã ban hành, tất cả những khó khăn của DN, nhất là những vấn đề mới đang đặt ra; mong muốn đại diện các hiệp hội DN mạnh dạn đề xuất, kiến nghị, hiến kế cho Chính phủ, cho các bộ, ngành để phục hồi nhanh nhất, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định lại cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, các bộ, ngành luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, cùng DN vượt qua khó khăn, tranh thủ cơ hội phát triển để phục hồi nhanh nhất, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.

Chuyên đề