Một số dự án bất động sản đình trệ nhiều năm khiến chủ đầu tư bế tắc. Ảnh: Bảo Tín |
Ngày 19/5/2023, ĐHĐCĐ Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) 2023 đã thông qua kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất năm 2023 đạt 5.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 158 tỷ đồng, cổ tức dự kiến 20%.
Đại hội cũng thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu, phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, phương án phát hành thêm hơn 57 triệu cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP cho người lao động, ngừng triển khai phương án chào bán trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế đã được thông qua tại Đại hội năm 2022.
Theo ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh, năm nay, HĐQT sẽ ưu tiên kiểm soát cán cân nợ vay và duy trì chi phí vốn ở mức hợp lý. Cụ thể, tỷ lệ nợ sẽ được điều tiết căn cứ vào doanh số và tình hình bán hàng thực tế, nhất định đảm bảo an toàn thanh khoản ngay cả trong kịch bản xấu nhất. Đặc biệt, Tập đoàn quyết tâm bàn giao đúng tiến độ nhiều dự án trọng điểm, tiếp tục phát triển các dự án chất lượng.
Cuối tháng 6 vừa qua, tại ĐHĐCĐ Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR), ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty khẳng định, bản thân ông và ban lãnh đạo trước mắt chỉ tập trung vào mảng BĐS, gồm 4 phân khúc: nghỉ dưỡng, đất nền, chung cư, khu công nghiệp, không có ý định lấn sân mảng khác.
Phát Đạt đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2023 là 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 850 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 680 tỷ đồng, tức giảm 48% về doanh thu và giảm 41% về lợi nhuận so với kết quả đạt được năm 2022. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến tối thiểu 15% vốn điều lệ. Những con số này là niềm mơ ước đối với nhiều DN cùng ngành.
Đáng lưu ý, tại Đại hội, HĐQT Phát Đạt đã trình phương án chào bán 20% cổ phần mới cho cổ đông hiện hữu để tạo nguồn vốn bổ sung phát triển các dự án trọng điểm và chào bán 10% cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp để tái cơ cấu các khoản vay. Qua đó, 67 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu dự kiến được phát hành trong năm nay, thu về hơn 670 tỷ đồng, dùng để thanh toán khoản nợ gốc và lãi trái phiếu Công ty đã phát hành trong hai năm 2021 - 2022. Thời gian trả nợ ước định trong quý III - IV/2023 và năm 2024 trên cơ sở thỏa thuận giữa Công ty và người sở hữu trái phiếu.
Với phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu, Công ty dự kiến phát hành hơn 134 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số tiền 1.343 tỷ đồng dự kiến huy động được sẽ dùng để đầu tư vào các dự án như: Phân khu số 2 và 9 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội; Khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Bắc Hà Thanh (Bình Định); Dự án số 1 Ngô Mây (Bình Định); chung cư Bình Dương Tower...
Thận trọng trước những diễn biến khó lường của thị trường, ĐHĐCĐ Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán: HDG) đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất và lợi nhuận sau thuế giảm lần lượt 9,94% và 28,7% so với năm 2022.
Năm 2023, Tập đoàn Hà Đô chủ trương đẩy mạnh mua bán, sáp nhập các dự án BĐS, đầu tư dự án năng lượng mới để tạo đà tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong giai đoạn tiếp theo. Dự báo đến cuối năm 2023 và đầu năm 2024, pháp lý các dự án BĐS tại Hà Nội và TP.HCM của Công ty mới được khơi thông, khi đó mới có thể hoàn thiện đầu tư và khai thác các dự án lớn.
Các doanh nghiệp bất động sản đều đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm 2023 thấp hơn năm ngoái. Ảnh: Bảo Tín |
Nhìn vào diễn biến mùa ĐHĐCĐ 2023 cho thấy, đa phần các DN BĐS đều chọn giải pháp an toàn trong đầu tư, kinh doanh, ưu tiên giảm tỷ lệ vay vốn từ ngân hàng và các khoản phát hành trái phiếu trước đó.
Phương án được các chủ đầu tư lựa chọn nhiều là bán một phần hoặc cả quỹ đất/dự án để cơ cấu lại tài chính như: Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va...
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM nhận xét, việc các DN BĐS đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm 2023 thấp hơn năm ngoái gần như là đương nhiên, bởi trước mắt là quãng đường dài còn nhiều trắc trở, khi cơn khát tín dụng chưa được khơi thông, vướng mắc pháp lý tuy đang được tháo gỡ nhưng không thể một sớm một chiều, nhà đầu tư có tiền thì thận trọng chờ thị trường giảm, người muốn mua nhà để ở thực thì khó tiếp cận vốn vay khiến thanh khoản trầm lắng. Thế nên, các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức cần hết sức chia sẻ với những cam kết "khiêm nhường" của DN BĐS trong giai đoạn này.
“Tất cả những gì có thể làm thì chúng tôi đã làm. Vấn đề cốt lõi còn lại vẫn trông chờ vào chính sách tín dụng và việc đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ pháp lý cho dự án BĐS”, lãnh đạo một DN BĐS nói.