Phần lớn tập đoàn kinh tế của Việt Nam vẫn khó khăn trong thu hút nhân lực tốt |
Nhiều bất cập về chính sách
Theo ông Trịnh Đức Chiều, Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp thuộc CIEM, CMCN 4.0 sẽ mở ra nhiều cơ hội đối với DNNN. Với quy mô lớn và được đầu tư tiềm lực khoa học công nghệ từ các giai đoạn trước, nên thời điểm đầu của cuộc CMCN 4.0, nhóm doanh nghiệp này sẽ đảm đương vai trò dẫn dắt.
Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội thì vẫn còn nhiều thách thức như: hiện, DNNN có năng lực công nghệ, kỹ thuật cao hơn mức trung bình nhưng thấp hơn so với nhiều DN, đặc biệt là DN lớn trên thế giới. Quản trị tại DNNN chưa hiện đại, thiếu lao động trình độ cao, phù hợp với công nghệ mới. Mặt khác, phần lớn tập đoàn kinh tế có tiềm lực của Việt Nam hầu như vẫn dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên (như dầu mỏ, than đá, khoáng sản, rừng...), tập trung nhiều sức lao động.
Về thực trạng chính sách đối với DNNN trong CMCN 4.0, CIEM cho rằng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011 - 2019. Nhờ đó, thứ hạng đổi mới sáng tạo được cải thiện nhưng thể chế chưa theo kịp. Xếp hạng chất lượng thể chế hỗ trợ đổi mới sáng tạo còn thấp, chậm thay đổi, thậm chí thụt lùi. Lý giải nguyên nhân này, báo cáo của CIEM cho rằng, vốn đầu tư thực sự dành cho nghiên cứu và phát triển không tăng nhiều và ở mức thấp (0,3 - 0,4% GDP), các mục tiêu đổi mới sáng tạo thiên về số lượng hơn là chất lượng.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, rà soát chính sách cho thấy, DNNN bất lợi so với DN khác trong cuộc CMCN 4.0. Chẳng hạn như đầu tư ứng dụng công nghệ mới là đầu tư có rủi ro cao. Điều này xét về thể chế bất lợi cho DNNN, bởi xét theo nguyên tắc bảo toàn vốn đầu tư thì DNNN không thể mạo hiểm vì phải bỏ ra một khoản đầu tư rất lớn. Liên quan đến vấn đề về nguồn lực, đôi khi DNNN cần nguồn lực chất lượng cao nhưng các quy định về tài chính gây bất lợi cho vấn đề thu hút được đội ngũ nhân lực tốt.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một trong số ít các DNNN đã có sự chuẩn bị trong bối cảnh mới, với nhiều đề án ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai vận dụng và thực hiện. Song, ông Lê Hải Đăng, Trưởng ban Chiến lược phát triển của EVN cho biết, DN thiếu cơ chế tự chủ trong thu hút người giỏi về lĩnh vực công nghệ, thậm chí còn bị “chảy máu chất xám”.
Khuyến khích triển khai số hóa
Nghiên cứu cũng chỉ ra, hiệu suất vận hành số hóa có mối quan hệ tương quan với hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN. Tác động của cải thiện sản xuất kinh doanh lên DNNN khá cao. Vì vậy, cải thiện hiệu suất vận hành số hóa có thể giúp doanh nghiệp cải thiện năng suất lao động, mở rộng thị trường và qua đó gia tăng doanh thu.
Vậy làm thế nào để khuyến khích DNNN trong hành trình số hóa? Về vấn đề này, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, thể chế cần được hoàn thiện theo hướng tạo ra môi trường để khuyến khích, thúc đẩy các DNNN chủ động đẩu tư, đổi mới khoa học công nghệ. Nói cách khác là tạo ra cơ chế để những người đầu tư khoa học công nghệ được bảo vệ quyền sở hữu sáng tạo; sử dụng được sáng tạo trong kinh doanh.
Về vấn đề này, nhóm nghiên cứu của CIEM cho rằng, trong CMCN 4.0, DNNN đóng vai trò là một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Do vậy, CIEM khuyến nghị một số giải pháp chính để DNNN phát triển công nghệ 4.0. Cụ thể, cần định vị rõ ràng vai trò, mục tiêu của DNNN trong CMCN 4.0; tái cơ cấu, cổ phần hóa mạnh mẽ DNNN ở những ngành, lĩnh vực ưu tiên trong công nghệ; hiện đại hoá, số hoá quản trị, giám sát của chủ sở hữu nhà nước; hỗ trợ DNNN cải thiện khả năng vận hành số hoá; tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh; xây dựng cơ chế tiền lương linh hoạt hơn cho DNNN để thu hút nhân tài chất lượng cao...