Doanh nghiệp môi giới bất động sản cần hướng đến dòng sản phẩm minh bạch về pháp lý, sản phẩm của các chủ đầu tư lớn có uy tín, sản phẩm có nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng. Ảnh: Tiên Giang |
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trong suốt giai đoạn hình thành và phát triển, thị trường BĐS xuất hiện nhiều DN môi giới với quy mô lớn, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm, hàng nghìn người. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 và sự trầm lắng của thị trường địa ốc những năm qua như một cú “knock out” đối với nhiều DN môi giới BĐS.
Từ năm 2021 tới nay, trung bình mỗi tháng có trên 100 DN BĐS, trong đó có cả DN môi giới đóng cửa hoặc chuyển sang ngành nghề khác. Nhiều DN buộc phải cắt giảm từ 50% đến 75% số nhân sự để chống chọi với khủng hoảng từ sự trầm lắng của thị trường BĐS.
Bà Trần Thị Cẩm Tú - Tổng giám đốc Công ty CP BĐS Eximrs cho hay, thời gian qua, DN môi giới BĐS nào không tìm được cách thích nghi với tình hình mới sẽ bị đào thải. Năm 2023 là giai đoạn khó khăn nhất và hiện tại thị trường địa ốc không thể xấu hơn được nữa. Xác định năm 2024 thị trường BĐS miền Bắc phục hồi sớm nên Eximrs chọn thị trường miền Bắc là thị trường mục tiêu, đồng thời tiếp tục tập trung kinh doanh các dự án BĐS tại TP.HCM.
Ông N.V.Đ - Giám đốc một DN môi giới BĐS chia sẻ: “Nguồn thu của DN môi giới phần lớn trông chờ vào việc bán sản phẩm BĐS. Trong khi đó, vướng mắc pháp lý khiến nhiều dự án không triển khai được. Lại thêm nhà đầu tư có tâm lý e ngại, đa số còn thăm dò, chưa quyết định đầu tư, đợi tín hiệu khởi sắc từ các quy định pháp luật mới, khiến dân môi giới BĐS điêu đứng… Cách đây 2 năm, khi tình hình tài chính của Công ty và cục diện của thị trường BĐS khó khăn, DN của tôi buộc phải đóng cửa cho đến nay”.
Để vượt qua khó khăn, thách thức trước những biến động của thị trường, trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều đơn vị môi giới khẳng định, thời gian tới, các DN môi giới BĐS buộc phải tiếp tục điều chỉnh lại mục tiêu kinh doanh. Ngoài việc tinh giản bộ máy, cắt giảm nhân lực, DN cần liên kết hợp tác cùng nhiều sàn môi giới để triển khai kinh doanh sản phẩm. Mặt khác, chuyển hướng tăng biến phí như hoa hồng, chính sách thưởng cho nhân viên kinh doanh để giảm bớt áp lực trả lương cố định.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM nhận xét, thực tế thời gian qua đã chứng minh, đơn vị môi giới nào kiên định duy trì kinh doanh sản phẩm truyền thống ở quy mô vừa và nhỏ, cơ cấu thêm nguồn sản phẩm ngắn hạn “lấy ngắn nuôi dài” thì vẫn sống được.
Thời gian tới, theo ông Châu, các đơn vị môi giới nên tập trung vào dòng sản phẩm còn tạo ra khả năng thanh khoản, đó là sản phẩm minh bạch về pháp lý, sản phẩm của các chủ đầu tư lớn, uy tín lớn, sản phẩm có nhiều chính sách hỗ trợ cho khách hàng. Bởi, dù trong khó khăn, nhưng ở những phân khúc khác nhau vẫn có những đối tượng khách hàng khác nhau, dù là mua để ở hay để đầu tư.
Ở một khía cạnh khác, muốn bán sản phẩm hiệu quả, đương nhiên cách thức tiếp cận khách hàng BĐS cũng phải thay đổi. Trong khoảng 3 năm gần đây, DN môi giới BĐS đã dần thay đổi phương thức bán hàng truyền thống bằng cách bổ sung, tăng chi phí cho hoạt động “marketing online” để tiếp cận khách hàng mục tiêu rộng hơn, giảm chi phí khai thác khách hàng trực tiếp.
Mặt khác, từ 1/8/2024, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực sẽ hỗ trợ thúc đẩy tiến độ phát triển dự án và gia tăng nguồn cung nhà ở mới. Ngoài ra, các đạo luật này còn có nhiều điểm mới, bổ sung một số quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động môi giới BĐS như quy định cá nhân môi giới BĐS phải đáp ứng điều kiện hoạt động trong một DN kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BĐS hoặc một DN kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS…, qua đó góp phần minh bạch hóa, chuyên nghiệp hóa các hoạt động môi giới, giao dịch BĐS.