Điều gì khiến kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 4,9% trong quý 3?

0:00 / 0:00
0:00
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc tăng trưởng 4,9% trong quý 3 vừa qua, do sản lượng công nghiệp tăng yếu hơn dự kiến và một số nguyên nhân khác. Mức tăng trưởng này của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới khiến giới quan sát thất vọng...
Dỡ than từ tàu chở than tại một cảng biển ở Liêu Ninh hôm 14/10/2021 - Ảnh: Getty/CNBC.
Dỡ than từ tàu chở than tại một cảng biển ở Liêu Ninh hôm 14/10/2021 - Ảnh: Getty/CNBC.

Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố sáng nay (18/10) cho thấy GDP của nước này tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, các chuyên gia được hãng tin Reuters khảo sát ý kiến đã dự báo mức tăng 5,2%.

Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc chỉ tăng 3,1% trong tháng 9, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 4,5% mà giới chuyên gia đưa ra. Sự sụt tốc của sản xuất công nghiệp được cho là một nguyên nhân chính khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc không đạt kỳ vọng.

“Ngay từ khi bắt đầu bước sang quý 3, những rủi ro và thách thức trong và ngoài nước đã tăng lên”, người phát ngôn Fu Linghui của NBS phát biểu tại một cuộc họp báo. Ông Fu nhận định tình trạng thiếu điện đã có “ảnh hưởng nhất định” đến sản xuất, nhưng cho rằng ảnh hưởng kinh tế của cuộc khủng hoảng thiếu điện là “có thể kiểm soát”.

Nhiều nhà máy ở Trung Quốc đã phải tạm ngừng sản xuất hồi cuối tháng 9 do giá than tăng vọt và tình trạng khan hiếm điện buộc các địa phương phải cắt điện đột ngột. Chính phủ Trung Quốc sau đó đã yêu cầu tăng sản lượng khai thác của các mỏ than và đảm bảo nguồn cung cấp điện.

Dữ liệu vừa công bố cũng cho thấy các doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang ngần ngại trong việc rót vốn vào các dự án mới. Đầu tư tài sản cố định trong 3 tháng đầu năm ở nước này tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo tăng 7,9%.

“Hoạt động đầu tư suy yếu do điều kiện tín dụng thắt chặt”, chiến lược gia Chaoping Zhu thuôc JPMorgan Asset Management nhận định.

Ông Zhu ước tính rằng so với cùng kỳ năm ngoái, đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc trong tháng 9 giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do cú giảm 3,5% trong đầu tư phát triển các dự án bất động sản.

Địa ốc và các ngành liên quan chiếm khoảng 1/4 GDP của Trung Quốc, theo ước tính của tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s. 18 tháng qua, Bắc Kinh đã đẩy mạnh nỗ lực giảm nợ trong lĩnh vực này.

Trong bối cảnh như vậy, công ty địa ốc khổng lồ Evergrande chìm sâu vào một cuộc khủng hoảng nợ, đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ và đã lỡ hạn thanh toán tiền lãi hai lô trái phiếu USD. Hôm thứ Sáu, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nói rằng Evergrande là một trường hợp cá biệt và hầu hết các công ty bất động sản khác của nước này vẫn hoạt động ổn định.

Phát biểu ngày 18/10, ông Fu thừa nhận sự giảm tốc của lĩnh vực bất động sản trong quý 3 khiến đóng góp của ngành này vào tăng trưởng kinh tế cũng giảm theo. Tuy nhiên, vị quan chức này lạc quan rằng ảnh hưởng đối với tăng trưởng kinh tế nói chung chỉ ở mức hạn chế.

Dữ liệu mới nhất cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc duy trì chi tiêu, cho dù bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế chống Covid và doanh số thị trường ô tô nước giảm liền 4 tháng. Doanh thu bán lẻ tháng 9 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức dự báo tăng 3,3% mà các chuyên gia được Reuters khảo sát đưa ra trước đó.

Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị Trung Quốc trong tháng 9 là 4,9%. Đối với độ tuổi từ 16-24, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nhiều con số chung, lên tới 14,6%.

Gần đây, một loạt ngân hàng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2021 do thiếu điện và nỗ lực giảm nợ trong ngành bất động sản nước này, bên cạnh những nguồn áp lực khác như tiêu dùng yếu.

“Trung Quốc từng dẫn đầu thế giới về sự phục hồi kinh tế từ đại dịch Covid-19. Giờ đây, sự phục hồi đó đang mất đà”, chuyên gia Bruce Pang của China Renaissance phát biểu, chỉ ra một số trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, từ những ca nhiễm Covid-19 rải rác cho tới nỗ lực của nước này nhằm giảm khí thải carbon.

“Về vấn đề quy chế giám sát, chúng tôi cho rằng nhà chức trách sẽ quản lý tốt hơn tốc độ và cường độ của chiến dịch tăng cường giám sát, nhằm đảm bảo hoàn thành các mục tiêu chính về phát triển kinh tế và xã hội đặt ra cho năm nay và 5-10 năm tới”, ông Pang nhận định với hãng tin CNBC. “Các quan chức có thể giao tiếp tốt hơn với thị trường về những động cơ phía sau các động thái chính sách và phát tín hiệu trước về những ‘điểm nóng’ giám sát trong tương lai. Chúng tôi cho là như vậy”.

Chuyên đề